Đầu tư thiết kế - Lối thoát cho ngành đồ gỗ

Đầu tư cho lĩnh vực thiết kế: Lối thoát mới cho ngành đồ gỗ

Để ngành gỗ trở thành một sản phẩm xuất khẩu thế mạnh, việc phát triển lĩnh vực thiết kế là hướng đi mà doanh nghiệp ngành gỗ cần quan tâm. 
Đầu tư cho lĩnh vực thiết kế: Lối thoát mới cho ngành đồ gỗ ảnh 1Thị trường đồ gỗ Việt Nam rộng lớn nhưng lại thiếu một đội ngũ thiết kế chuyên sâu. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Việt Nam hiện là một trong những thị trường đồ gỗ lớn trên thế giới, thu hút nhiều khách hàng quốc tế. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam đạt 5,6 tỷ USD và trong hai tháng đầu năm 2014 đạt khoảng 884 triệu USD. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa được xem là một thị trường cung cấp hàng đồ gỗ với giá trị thiết kế là giá trị chủ yếu.

Để ngành gỗ trở thành một trong những sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam, việc phát triển lĩnh vực thiết kế đang là hướng đi mà các doanh nghiệp ngành gỗ cần quan tâm.

Tại hội thảo “Giải pháp xây dựng và phát triển ngành thiết kế sản phẩm đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam” được tổ chức mới đây tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia về đồ gỗ, nội thất cho rằng thị trường đồ gỗ Việt Nam rộng lớn và có nhiều cơ hội phát triển nhưng mảng thiết kế lại thiếu một đội ngũ thiết kế chuyên sâu, khó khăn cho các công ty quốc tế khi tìm kiếm một nhà thiết kế nội địa.

Theo ông Graham Taylor, Kiến trúc sư nội thất của Mỹ, ngành thiết kế nội thất của Việt Nam có lợi thế về chi phí lao động thấp và đội ngũ nhân công lành nghề trong nước. Nhưng chuẩn giáo dục thiết kế Việt Nam còn thấp, chưa có mảng đào tạo về thiết kế chuyên nghiệp. Do đó, ngay từ bây giờ các tổ chức, doanh nghiệp ngành gỗ cần phối hợp với các trường đại học tập trung đào tạo chuyên sâu cho ngành thiết kế trong nước.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Danh Mộc cho rằng: Hiện nay, các nước trong khu vực như: Philippines, Singapore, Thái Lan… là những nước có thị trường xuất khẩu về thiết kế rất lớn. Ngay tại Việt Nam, đa số các công trình, resort hoặc khách sạn, thậm chí những cửa hàng nhỏ phần lớn người thiết kế đến từ các quốc gia này.

Điều này cho thấy mặc dù Việt Nam có truyền thống sáng tạo rất lớn, có lực lượng lao động dồi dào và dân số trẻ nhưng lại tụt hậu trong ngành thiết kế so với các quốc gia này và cơ hội tại nội địa dành cho các nhà thiết kế Việt Nam cũng rất ít.

Cũng đánh giá về sự thua thiệt của thiết kế Việt Nam ngay tại “sân nhà”, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (Hawa) cho rằng: Trong 5,6 tỷ USD xuất khẩu hàng gỗ và thủ công mỹ nghệ của Việt Nam năm 2013 thì tỷ lệ những sản phẩm do chính các nhà thiết kế trong nước thiết kế chiếm chưa đến 10 triệu USD. Còn lại đa số là hàng thiết kế của nước ngoài đem vào Việt Nam gia công. Do bị động về giá cả, phía Việt Nam không được hưởng giá trị gia tăng nào trong sản phẩm gia công.

“Đã đến lúc Việt Nam cần sản xuất những sản phẩm mà thiết kế đóng vai trò quan trọng, chiếm 50-60% lợi nhuận của sản phẩm. Trách nhiệm của các nhà thiết kế phải sáng tạo nhiều hơn, thúc đẩy phát triển ngành đỗ gỗ thông qua các sáng tạo của mình. Khi có lợi thế về thiết kế, chúng ta không còn bị động về giá cả nữa mà có quyền tạo ra giá chúng ta muốn. Vì nếu tiếp tục làm hàng gia công, một khi giá lao động tăng lên, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ chuyển hướng sang những quốc gia có giá lao động rẻ hơn,” ông Khanh nhận định.

Ông Michael Buckley, chuyên gia về đồ gỗ, nội thất am hiểu thị trường các nước châu Á cho rằng, thiết kế đóng vai trò dẫn dắt xu hướng trong ngành công nghiệp gỗ. Đây cũng là một ngành kinh doanh mang tính thời trang, do đó khi mua bất kỳ một sản phẩm nào ngoài công năng thì thiết kế là vô cùng quan trọng. Do đó, khi thiết kế các nhà thiết kế Việt Nam cũng cần chú ý đến công năng của sản phẩm và phù hợp với các tiêu chuẩn thiết kế quốc tế.

Thời gian qua Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều chương trình hỗ trợ giúp ngành đồ gỗ phát triển như giải thưởng Hoa Mai được tổ chức hàng năm, nhằm phát hiện và đào tạo những tài năng thiết kế cho ngành.

Trong năm 2014, Hiệp hội cũng sẽ tăng cường thêm những chương trình hỗ trợ cho ngành thiết kế Việt Nam . Đặc biệt, Hawa sẽ thành lập một trung tâm thiết kế đầu tiên tại Việt Nam với mục đích đào tạo và tìm kiếm tài năng thiết kế cho ngành đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ.

Trung tâm sẽ thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo chuyên ngành để tất cả những nhà thiết kế trẻ có khả năng tiếp cận dễ dàng. Trung tâm cũng trưng bày những mẫu thiết kế mới, là mối gắn kết giữa khách hàng, nhà đầu tư tìm kiếm đối tác cũng như những nhà thiết kế trẻ có điều kiện gặp gỡ trực tiếp nhà sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục