Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc sụt giảm mạnh

Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đã giảm tới gần 41% so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh các cơ quan chức năng nước này siết chặt các quy định ngăn tình trạng đầu tư “phi lý tính” ra nước ngoài.
Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc sụt giảm mạnh ảnh 1Kiểm đồng USD (trái) tại một ngân hàng ở An Huy, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC), đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) của Trung Quốc vào các lĩnh vực phi tài chính trong 10 tháng năm nay đã giảm tới gần 41% so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh các cơ quan chức năng nước này siết chặt các quy định ngăn chặn tình trạng đầu tư “phi lý tính” ra nước ngoài.

Thông tin từ MOC cho biết trong 10 tháng qua, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng hơn 86 tỷ USD vào 5.410 doanh nghiệp tại 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Dự án ODI của các doanh nghiệp Trung Quốc chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực như dịch vụ cho thuê và thương mại, chế tạo công nghiệp, bán buôn và bán lẻ, và công nghệ thông tin; đồng thời không xuất hiện thêm bất cứ dự án ODI mới nào trong các lĩnh vực bất động sản, thể thao và giải trí. MOC khẳng định tình trạng đầu tư “phi lý tính” đã được ngặn chặn một cách hiệu quả trong thời gian qua.

ODI của Trung Quốc đã tăng trưởng hết sức nhanh chóng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, từ năm 2016, các cơ quan quản lý của Trung Quốc đã đưa ra những quy định ngày càng chặt chẽ và khuyến cáo các doanh nghiệp nước này cân nhắc thận trọng hơn đối với các quyết định đầu tư ra nước ngoài.

Trong “Chỉ thị về việc tiếp tục định hướng hoạt động đầu tư ra nước ngoài," được ban hành vào giữa tháng Tám năm nay, Quốc vụ viện Trung Quốc đã tuyên bố hạn chế các dự án ODI trong những lĩnh vực như bất động sản, khách sạn, rạp chiếu phim và câu lạc bộ giải trí, đồng thời nghiêm cấm đầu tư vào những lĩnh vực như sòng bạc.

Ngày 3/11, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã đưa ra dự thảo “Biện pháp quản lý đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp," trong đó đưa hoạt động đầu tư ở nước ngoài của các công ty được doanh nghiệp nội địa thành lập ở bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc vào khuôn khổ quản lý.

[Trung Quốc: Mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm ở trong tầm tay]

Liên quan tình hình trên, trong tháng Chín và tháng 10 vừa qua các ngân hàng Trung Quốc đã liên tiếp mua ròng ngoại tệ trong bối cảnh các dòng vốn xuyên biên giới được duy trì ở trạng thái cân bằng và ổn định.

Theo Cục Quản lý Ngoại hối Quốc gia Trung Quốc (SAFE), trong tháng 10, các ngân hàng nước này đã mua vào một lượng ngoại tệ các loại với tổng giá trị tương đương gần 129 tỷ USD và bán ra hơn 126 tỷ USD, đạt mức mua ròng 2,8 tỷ USD.

Trong tháng Chín, các ngân hàng Trung Quốc cũng đã mua ròng 300 triệu USD, và đây là tháng đầu tiên trong hai năm qua, lượng ngoại tệ mua vào lớn hơn lượng ngoại tệ bán ra. Tính gộp 10 tháng qua, các ngân hàng Trung Quốc đã mua vào một lượng ngoại tệ các loại với tổng giá trị tương đương 1.330 tỷ USD và bán ra 1.440 tỷ USD, đạt mức bán ròng hơn 110 triệu USD.

Cũng theo SAFE, các dòng vốn xuyên biên giới của Trung Quốc được duy trì ở trạng thái cân bằng và ổn định trong tháng 10 nhờ xu hướng “lý tính hóa” ngày càng cao trong các chủ thể thị trường. Nhu cầu mua vào ngoại tệ của các cá nhân đã giảm xuống trong tháng qua sau khi tăng nóng vào quý 3 năm nay, và đây cũng là sự sụt giảm rất lớn so với cùng kỳ năm 2016.

Bên cạnh đó, nguồn ngoại tệ đổ vào Trung Quốc thông qua các hoạt động như thương mại hàng hóa, đầu tư nước ngoài và tài chính xuyên biên giới tiếp tục duy trì được xu thế tăng trưởng ổn định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục