Dấu vết khủng long lớn và cổ nhất tại Australia

Các nhà cổ sinh học Australia vừa phát hiện xương hóa thạch các loài khủng long lớn nhất và cổ xưa nhất tại tiểu bang Queensland.
Các nhà cổ sinh học Australia vừa phát hiện dấu vết loài khủng long lớn nhất và cổ xưa nhất tại tiểu bang Queensland, Tây Nam nước này.

Công việc khai quật được tiến hành trong hai tuần qua tại di chỉ khảo cổ Eromanga, thuộc bang Queensland, đã khám phá hàng chục bộ xương hóa thạch khủng long và hóa thạch của các loài thực vật từng tồn tại trên Trái Đất cách đây 97 triệu năm.

Trong đó có xương hóa thạch của loài khủng long Titanosaur, được cho là lớn nhất với chiều dài thân khoảng 26-28m, và hóa thạch của loài khủng long cổ dài Sauropod, dù nhỏ hơn Titanosaur nhưng có bộ xương hoàn chỉnh hơn.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng tìm thấy dấu vết của loài khủng long cổ dài ăn thực vật Rhoetosaurus, có niên đại khoảng 170 triệu năm, từng được phát hiện trong những năm 1930 tại Roma (Italy).

Trước đó, trong cuộc khai quật tại di chỉ Winton, cũng thuộc tiểu bang Queensland, các nhà cổ sinh học Australia đã phát hiện xương hóa thạch của ba loài khủng long mới, bao gồm hai loài ăn cỏ và một loài ăn thịt, từng chu du trên Trái Đất trong kỷ Phấn Trắng cách đây khoảng 98 triệu năm.

Tiến sĩ cổ sinh học Scott Hocknull nhận định các phát hiện trên đã khẳng định di chỉ khảo cổ ở bang Queensland có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với Australia, mà còn đối với nhận thức chung của giới khoa học thế giới về thời đại khủng long.

Tại Australia, ước đoán còn ít nhất 50 di chỉ khảo cổ chưa được khai quật. Dự báo trong vòng 20-30 năm tới, ngành khoa học nghiên cứu khủng long ở Australia sẽ "khởi sắc"./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục