Dạy chữ cho trẻ em nhiễm chất độc da cam

Dạy chữ cho trẻ em nhiễm chất độc da cam ở nông thôn

Từ giữa năm 2012, lớp học dành cho trẻ khuyết tật nhiễm và nghi nhiễm chất độc da cam bắt đầu hoạt động tại Bình Định.
Dạy chữ cho trẻ em nhiễm chất độc da cam ở nông thôn ảnh 1Cô giáo Dương Thị Ngọc Tâm và các học sinh. (Ảnh: Quốc Dũng/Vietnam+)

Từ giữa năm 2012, lớp học dành cho trẻ khuyết tật thuộc "Dự án phát triển kỹ năng giao tiếp, ứng xử xã hội và ý thức tự chủ của trẻ khuyết tật nhiễm và nghi nhiễm chất độc da cam" tại trường Tiểu học số 2 Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định bắt đầu hoạt động.

Dự án do giáo sư Michio Umegaki (Trường Đại học Keio, Nhật Bản) phối hợp với Hội Chữ thập Đỏ tỉnh tổ chức, thực hiện trong 3 năm với kinh phí 2.000 USD/năm, học vào sáng Chủ nhật hàng tuần.

Tôi đến khi lớp đang học môn thủ công, mỗi em được tự gấp và trang trí những vật dụng bằng giấy, những đôi mắt ngây thơ, những đôi tay vụng về mân mê từng mép giấy. Lớp học có 18 học sinh, từ 6 đến 27 tuổi, với những đặc điểm khác nhau: câm điếc, chậm phát triển trí tuệ, khuyết tật vận động... Mỗi học sinh là một thế giới riêng, không em nào giống em nào, nên mỗi tiết học cần tới hai giáo viên và hai cộng tác viên mới có thể dạy và học hiệu quả.

Cô giáo Dương Thị Ngọc Tâm, người gắn bó với các em từ những ngày đầu cho biết: “Ban đầu lớp gặp nhiều khó khăn lắm. Đầu tiên, một số em không cầm bút được, chúng tôi phải cho các em tập vẽ trước để cầm bút cứng tay hơn, sau đó vẽ vòng tròn, rồi chữ O, chữ Ơ, và dần dần đến các chữ khác... Đến nay thì có khoảng 10 em đã có thể chép bài và làm toán, các em đã biết tập trung và nghe lời hơn.”

Giờ nghỉ giải lao, các học sinh được ra sân trường tập thể dục kết hợp với hát đồng ca, niềm vui rạng rỡ hiện trên từng khuôn mặt. Những khoảng thời gian như thế này góp phần làm các em thoát khỏi vỏ bọc của mình, hòa đồng với nhau hơn. Những động tác thể dục đơn giản, nhưng không phải em nào cũng làm được. Nhiều em không tập trung gây nên rất nhiều khó khăn, nhưng các thầy cô vẫn rất tận tình, kiên trì dạy bảo.

Anh Huỳnh Văn Phụng, nhân viên y tế xã Cát Trinh, cộng tác viên của lớp học tâm sự: “Hơn một năm qua, sáng Chủ nhật nào tôi cũng tới đây dạy cho các em, hò hét nhiều thì cũng mệt nhưng mà quen rồi, hôm nào không gặp lại thấy thiếu thiếu. Các em học hát nhanh lắm, mỗi bài chỉ cần dạy một buổi là thuộc, còn tập thể dục thì khó khăn hơn. Tôi thấy học một tuần một buổi như hiện nay là quá ít, chỉ mong sắp tới có đủ điều kiện để tăng thêm buổi học cho các em. Tôi cũng mong có thêm quần áo đồng phục, sách vở, dụng cụ học tập để các em học tốt hơn nữa.”

Anh Hồ Đình Tấn, xã Cát Tiên, huyện Phù Cát có con trai đang học lớp Ước mơ, mỗi Chủ nhật anh đều đưa con đi, ngồi học cùng con, giữ cho con không quấy phá lớp. Suốt buổi học, người cha trầm lặng này không rời con đến nửa bước: “Cháu được 12 tuổi, vẫn phát triển nhưng không nói được, luôn nghịch ngợm, và không chịu ngồi im một chỗ bao giờ. Ban đầu cháu rất ngại đến trường, nhưng giờ đã tập được thói quen tốt, ngày càng tiến bộ, giờ cháu đang đang bắt đầu luyện nghe nói, giao tiếp với mọi người.”

Cuối buổi học, mỗi em được phát cho một gói bánh kẹo trước khi ra về, theo các thầy cô giáo, đây là một thông lệ, nhằm khuyến khích, động viên và là phần thưởng cho các em đi học đầy đủ, đúng giờ. Có những em hơn 20 năm chưa ra khỏi nhà, có những em phải đi bằng xe lăn, nhưng từ khi đến lớp, các em rất chăm chỉ và không nghỉ buổi nào.

Trao đổi với tôi, ông Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Cát Trinh cho biết hiện nay toàn bộ giáo viên và cộng tác viên đều tham gia tự nguyện, mỗi người chỉ nhận được 100.000 đồng trợ cấp một tháng, nhưng ai cũng rất nhiệt tình và tâm huyết.

Khó khăn lớn nhất hiện nay không phải là nguồn nhân lực mà là nguồn kinh phí để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em học sinh. Trường đã sắp xếp cho các em học trong một lớp khang trang nhất, xin được một số nhà hảo tâm tài trợ mua áo đồng phục, cặp sách, đồ dùng học tập... Nhưng gia đình các em hầu hết là nông dân nghèo, chỉ muốn các em ở nhà phụ việc nhà, đỡ đần gánh nặng kinh tế.

Ông cũng nói thêm: “Để duy trì được thì nhà trường cũng kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ một phần cho gia đình các em có hoàn cảnh khó khăn nhất, để các em có thể yên tâm học tập, trở thành những công dân có ích cho xã hội sau này.”

Trước khi về, một số em chạy ra khoanh tay cúi chào tôi, những câu từ còn ngọng nghịu, khó khăn, nhưng là minh chứng rõ nhất cho những nỗ lực học tập của các em, và quá trình vượt qua số phận để hòa nhập với cộng đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục