Đẩy lùi ô nhiễm làng nghề ở Bắc Ninh: Cần “mạnh tay”

Không chỉ ô nhiễm ở các Khu công nghiệp, tình trạng "bẩn" ở các làng nghề của tỉnh Bắc Ninh cũng là câu chuyện "biết rồi, khổ lắm nói mãi..."

Nhưng trong khi chính quyền sở tại vẫn loay hoay chưa tìm ra cách giải quyết trong việc xử lý thì người dân tại các làng nghề này ngày ngày, một cách đều đặn từ năm này qua năm khác, phải sống chung với cái sự "bẩn" vô lý đó...


Không chỉ ô nhiễm ở các Khu công nghiệp, tình trạng "bẩn" ở các làng nghề của tỉnh Bắc Ninh cũng là câu chuyện "biết rồi, khổ lắm nói mãi". Nhưng trong khi chính quyền sở tại vẫn loay hoay chưa tìm ra cách giải quyết trong việc xử lý thì người dân tại các làng nghề này ngày ngày, một cách đều đặn từ năm này qua năm khác, phải sống chung với cái sự "bẩn" vô lý đó...

"Sống mòn" với ô nhiễm và "khát" nước sạch

Làng Đa Hội, phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh được biết đến là một trong những làng nghề sản xuất thép lớn nhất miền Bắc. Hàng năm, Đa Hội cung cấp cho thị trường cả nước hàng nghìn tấn thép các loại. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển ồ ạt, môi trường sống ở đây cũng đang bị hủy hoại nghiêm trọng bởi các nhà máy, cơ sở sản xuất, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe của người dân khu vực.

Có mặt tại làng Đa Hội, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những khu xưởng sản xuất thép nằm san sát với gần 1.000 lò đúc cán, mạ thép luôn rực lửa khiến bầu không khí nóng hầm hập. Các loại máy cán, dập, đúc, cắt thép không ngừng phát ra những thứ âm thanh hỗn độn, nhức óc đinh tai. Tại một số nhà máy, những làn khói đen xì theo ống dẫn được xả ra với mùi khét lẹt hòa quyện với bụi đường, bụi than, bụi kim loại, bụi mạt sắt và mùi hóa chất lẫn mùi hôi thối của nước và rác thải...

Cùng với Đa Hội, làng nghề sản xuất sắt thép Châu Khê (phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn) cũng không kém phần ô nhiễm, bởi hành vi xả thải phế liệu và nước thải ô nhiễm ra các ngả đường, kênh mương một cách tùy tiện.

Cụ thể, theo báo cáo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh, mỗi ngày làng nghề sản xuất sắt thép Châu Khê sử dụng khoảng 40.000 tấn than củi các loại và 18.000 m3 nước, thải ra môi trường 150 tấn rác thải công nghiệp (gồm các loại xỉ than, phế liệu, vẩy sắt) và trên dưới 1 tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 15.000m3 nước thải....

Tất cả các chất thải trên chưa qua xử lý được đổ trực tiếp ra môi trường, gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí và đất của làng nghề; đặc biệt là ảnh hưởng đến đời sống của gần 4.000 hộ dân trong phường.

Theo quan sát của phóng viên Vietnam+, tại các nhà máy, khu xưởng, nước thải không qua xử lý được xả thẳng ra các ngả đường. Những con kênh, ao, hồ nhuộm một màu đỏ ngầu bởi phẩm màu lẫn với mùi hôi thối của các loại rác thải độc hại.

“Ô nhiễm, nước đục ngầu và hôi tanh, không dùng được nên hàng ngày cứ đều đặn hơn 10 năm qua, bà con ở làng nghề sản xuất sắt thép Châu Khê phải đi mua nước sạch về dùng tằn tiện, có khi cả tuần trời không dám tắm,” một người dân ở làng nghề sản xuất sắt thép Châu Khê ngán ngẩm nói.

Không chỉ ở làng nghề sản xuất sắt thép Châu Khê hay Đa Hội, mà nhiều làng nghề khác như làng nghề sản xuất, chế biến giấy ở Phong Khê; làng nghề đúc đồng, đúc nhôm ở xã Đại Bái,… cũng chứa đựng tất cả các yếu tố nguy hại như tiếng ồn, bụi bông, bụi giấy, hóa chất nhuộm, nước thải chứa javen và các chất độc hại khác gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Trước mối nguy hại về ô nhiễm môi trường sống, những năm gần đây, Bắc Ninh cũng đã triển khai khá nhiều chương trình, dự án bảo vệ môi trường như: Xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề nấu rượu Đại Lâm, làng nghề Phong Khê, nước thải sinh hoạt thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn... nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề. Song, hầu hết các giải pháp chữa "bẩn," đẩy lùi ô nhiễm đều đi vào "ngõ cụt."

Đứng ở góc độ quản lý môi trường, ông Hà Minh Họa-Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Bắc Ninh, cho hay: “Một trong những nguyên nhân chính dấn đến tình trạng ô nhiễm là do hệ thống thoát nước và quy trình xử lí nước thải tại các làng nghề chưa đáp ứng được yêu cầu; tiến độ dự án triển khai còn chậm.”

Bên cạnh đó, theo ông Họa, ý thức chấp hành luật về bảo vệ tài nguyên nước của nhiều tổ chức, cá nhân còn yếu và thiếu chế tài xử phạt nên vẫn còn tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước một cách tùy tiện; một số mô hình sau khi đầu tư xây dựng không được vận hành hoặc vận hành không hiệu quả.

Đẩy lùi ô nhiễm... vẫn là bài toán khó


Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Nguyễn Hữu Tiệm, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Bắc Ninh, cho hay: “Bắc Ninh hiện có 63 làng nghề và chỉ đứng sau Hà Nội. Trong đó, có nhiều làng nghề gây ô nhiễm nặng, ảnh hưởng về nhiệt độ, khói bụi, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường nông thôn.”

Theo lời ông Tiệm thì vấn đề ô nhiễm môi trường về nước thải, khí thải ở Bắc Ninh là tương đối bức xúc.

Lý giải rõ hơn, ông Tiệm cho hay: "Là tỉnh có nhiều làng nghề, mỗi làng nghề lại có một đặc thù sản xuất, tái chế và ô nhiễm khác nhau, như các chỉ số về ô nhiễm về không khí, nhiệt độ, khói bụi, và đặc biệt là nguồn nước. Qua khảo sát, đánh giá thì hầu hết các chỉ tiêu về oxy hóa các hợp chất hóa học trong nước, bao gồm cả vô cơ và hữu cơ (COD, BOB) hay các kim loại nặng như ở làng nghề giấy Phong Khê, làng nghề sản xuất thép Đa Hội… đều vượt quá ngưỡng quy định, gây ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe của người dân."

Kết quả quan trắc môi trường không khí tại làng nghề Châu Khê của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh cũng cho thấy, chỉ số SO2, tại làng nghề Châu Khê cao hơn tiêu chuẩn cho phép tới 3,8 lần; Chỉ số NO2 cao hơn tiêu chuẩn cho phép tới 3 lần, do bị ô nhiễm bởi khí thải từ các lò sản xuất phả vào môi trường.

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung làng nghề giấy Phong Khê với kinh phí giai đoạn I (2012 – 2013) hơn 219 tỷ đồng, giai đoạn II (2014 – 2015) gần 171 tỷ đồng với công suất xử lý là 10.000 m3 /ngày đêm. Dự án triển khai trên diện tích khoảng 3,85 ha và đã hoàn tất việc đền bù giải phóng mặt bằng, tuy nhiên chưa có kinh phí để thực hiện.

Song song với đó, Bắc Ninh đã xây dựng Quy chế bảo vệ môi trường làng nghề, trong đó bao gồm nhiều biện pháp “mạnh tay” như cắt điện, ngừng cấp vốn đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, song vẫn không mấy hiệu quả.

Đưa ra “bức tranh ô nhiễm” tại các làng nghề, Chi cục trưởng Chị cục Bảo vệ Môi trường Bắc Ninh, thẳng thắn: “Ô nhiễm môi trường ở Bắc Ninh chưa bao giờ giảm. Và nếu cứ tình trạng xả thải tùy tiện, tình trạng suy thoái kinh tế không giảm thì đến năm 2025, Bắc Ninh vẫn khó thoát khỏi ô nhiễm.”

Cũng theo lời ông Họa thì vấn nạn ô nhiễm làng nghề ở Bắc Ninh hiện rất đáng quan tâm, nhưng không thể xử lý một sớm một chiều.

Chỉ ra những khó khăn, vị này lý giải, do kinh tế suy thoái nên nhiều hộ dân ở 63 làng nghề tạm ngừng hoạt động, cũng không ít hộ sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng. Mặt khác, do việc quản lý làng nghề tại nhiều địa phương còn “mờ nhạt,” không đồng bộ mà chỉ mang tính nhỏ lẻ nên rất khó xử lý.

“Do vậy, cắt điện đối với những trường hợp vi phạm vẫn là giải pháp 'mạnh tay' nhất. Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm ô nhiễm tại các làng nghề ở Bắc Ninh vẫn là một bài toán rất khó,” ông Họa nói.

Hùng Võ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục