Đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với sản phẩm du lịch đặc thù

Theo Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch Hoàng Quốc Hòa, với du lịch Việt Nam, các nội dung chuyển đổi số hướng tới ba đối tượng chính là cơ quan quản lý, doanh nghiệp và du khách.
Đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với sản phẩm du lịch đặc thù ảnh 1Du khách quét mã QR Code để tìm hiểu về di tích. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Năm 2023, tiếp tục hành trình phục hồi và phát triển, ngành du lịch nhiều địa phương xác định chuyển đổi số, tạo thuận lợi hơn cho du khách trong tìm hiểu thông tin, tiếp cận dịch vụ là một trong những giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, tăng sức hút cho điểm đến.

Tiếp cận du khách nhanh chóng, tiện lợi

Hiện nay, chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết, xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Chuyển đổi số sẽ giúp các đơn vị tổ chức dịch vụ tiếp cận du khách một cách nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Theo Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) Hoàng Quốc Hòa, với du lịch Việt Nam, các nội dung chuyển đổi số hướng tới ba đối tượng chính là cơ quan quản lý, doanh nghiệp và du khách.

Các nội dung liên quan chuyển đổi số rất đa dạng như đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, số hóa, tài liệu, số hóa điểm đến, hệ thống quản lý, chia sẻ dữ liệu và dịch vụ dùng chung ngành du lịch, xây dựng, nâng cấp các phần mềm chuyên ngành hướng tới hiện đại hóa và quảng bá thông tin du lịch theo các định hướng chuyển đổi số...

Với rất nhiều nội dung cần triển khai theo lộ trình, ngành du lịch các địa phương đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước chuyển đổi số, mang lại ngày càng nhiều tiện ích cho các cơ quan quản lý Nhà nước, du khách và doanh nghiệp.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Lê Trương Hiền Hòa cho hay ngành triển khai nhiều hoạt động liên quan đến chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong quản lý, xúc tiến quảng bá, cung cấp thông tin về điểm đến, khảo sát thị hiếu, nhu cầu của du khách.

Thành phố tiếp tục triển khai Đề án du lịch thông minh, vận hành hiệu quả phiên bản mới của website quảng bá và xúc tiến du lịch thành phố tại địa chỉ Visithcmc.vn, giúp người dân, du khách thuận lợi hơn trong tương tác ảo, tìm hiểu thông tin, cập nhật các sự kiện liên quan đến các sản phẩm du lịch, dịch vụ trên địa bàn thành phố.

Đây được xem là một phần quan trọng trong chiến lược truyền thông của du lịch Thành phố Hồ Chí Minh nhằm định vị, quảng bá hình ảnh du lịch thành phố đến du khách trong và ngoài nước, góp phần mang lại sức sống mới cho nhiều điểm du lịch.

[ĐBSCL: Phát triển mạnh các sản phẩm du lịch đặc thù vùng sông nước]

Đồng Tháp - địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long - đang tăng cường hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, số hóa các thông tin, tài liệu về điểm đến du lịch, xây dựng cơ sở dữ liệu số, hướng tới hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.

Theo thông tin từ Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Đồng Tháp, Cổng thông tin du lịch Đồng Tháp và ứng dụng du lịch thông minh tại địa chỉ du lich.dongthap.gov.vn đang được vận hành hiệu quả, mỗi ngày thu hút khoảng 3.000-4000 lượt khách truy cập.

Một số khu di tích, điểm du lịch như: Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Khu di tích Xẻo Quít, Khu di tích Gò Tháp, Khu du lịch Tràm Chim triển khai ứng dụng tra cứu thông tin du lịch bằng quét mã QR Code.

Gắn với thế mạnh, sản phẩm du lịch đặc thù

Hiện nay, nhờ những ứng dụng về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các hoạt động, sản phẩm du lịch được thiết kế phong phú, đa dạng hơn. Du khách có nhiều lựa chọn hơn khi tiếp cận các dịch vụ, sản phẩm. Vì vậy, thực hiện chuyển đổi số trên cơ sở thế mạnh đặc thù từng địa phương, có cách thức quảng bá tạo điểm nhấn về hình ảnh địa phương đến du khách là rất cần thiết.

Với góc nhìn từ Đồng bằng sông Cửu Long - một trong những vùng du lịch trọng điểm của cả nước, ông Đặng Hoàng Minh, Giám đốc Điều hành Công ty cổ phần thương mại, du lịch Nụ cười Mekong, cho rằng từ nhiều lợi thế, Đồng bằng sông Cửu Long đang ngày càng chứng tỏ tiềm năng du lịch trên bản đồ du lịch của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, hoàn toàn có khả năng trở thành một trung tâm du lịch sinh thái, miệt vườn của thế giới với những dấu ấn riêng biệt về thiên nhiên, văn hóa và con người ở vùng hạ lưu sông Mekong.

Do đó, chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh tại khu vực này nên tùy thuộc vào điều kiện phát triển, tiềm năng, chủ đề, sản phẩm đặc thù của từng địa phương để triển khai.

Chẳng hạn, nếu Vĩnh Long, Tiền Giang có thế mạnh về vườn cây ăn trái thì An Giang lại có thế mạnh về du lịch tâm linh, Sóc Trăng có nét đặc trưng về văn hóa của các dân tộc như Kinh-Khmer-Hoa thể hiện qua ẩm thực, lễ hội và các phong tục dân tộc truyền thống…

Gắn với thế mạnh của địa phương là du lịch sinh thái, du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã có các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện chuyển đổi số mang lại cho du khách những trải nghiệm mới, hấp dẫn.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre Lâm Văn Tân cho biết dự án ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp kết hợp du lịch mang tên “Vườn cây online dưa lưới," do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ thực hiện đã được triển khai tại Khu du lịch vườn trái cây sinh thái Phú An Khang, thành phố Bến Tre.

Tại vườn cây, khách hàng mua cây và gửi lại vườn, quá trình chăm sóc cây cho đến khi cây kết trái được các nhân viên cập nhật liên tục qua mạng cho khách hàng. Mô hình này đã tạo được sự mới lạ, là điểm đến thu hút khách tham quan, du lịch, thưởng thức đặc sản, tham gia các trò chơi dân gian, sau đó trở thành khách hàng của vườn cây online, giúp tiêu thụ nông sản ở địa phương.

Theo đại diện Trung tâm xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư Đồng Tháp, gắn với thế mạnh của địa phương, từ đó giới thiệu, kết nối thương mại và mở ra những tour du lịch mới, tạo hướng đi lâu dài cho đặc sản của địa phương, tại Lễ hội Xoài Đồng Tháp năm 2023 dự kiến diễn ra từ ngày 28/4-1/5, không gian triển lãm thực tế ảo với chủ đề “Vương quốc xoài Đồng Tháp” sẽ được tổ chức.

Lễ hội góp phần thực hiện lộ trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương với thông điệp của tỉnh trong năm 2023 là "Kinh tế xanh Sen Hồng bứt phá, chuyển đổi số Đồng Tháp tiên phong."

Đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với sản phẩm du lịch đặc thù ảnh 2Làng hoa Tết ở Sa Đéc nhìn từ trên cao. (Nguồn: Vietnam+)

Không gian triển lãm thực tế ảo này giới thiệu đến du khách, các nhà đầu tư nhiều hình ảnh sống động, các thông tin, dữ liệu liên quan đến cây xoài từ ưu thế về điều kiện canh tác, quy mô vùng trồng, giá trị kinh tế đến những nét văn hóa đặc sắc về ẩm thực, văn hóa dân gian gắn với hình ảnh cây xoài, trái xoài ngọt thơm trên đất Đồng Tháp, qua đó, thu hút sự quan tâm của du khách và các nhà đầu tư đối với phát triển du lịch, dịch vụ hoặc chế biến, xuất khẩu sản phẩm xoài.

Chủ nhiệm "Hội quán cùng nhau làm du lịch" tại làng hoa Sa Đéc Trần Thanh Hùng chia sẻ góp phần xây dựng làng hoa trở thành một trong những làng văn hóa, du lịch của cả nước, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số với nông dân làm du lịch là việc cần làm.

Hiện nay, các thành viên hội quán đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng cáo, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử trong thanh toán.

Thời gian tới, các thành viên Hội quán mong muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ, tạo thuận lợi của các cấp, các ngành để quảng bá và kết nối du lịch, thương mại nhiều hơn về điểm đến làng hoa Sa Đéc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục