Đẩy mạnh hoạt động kinh tế, nâng cao sức mạnh của quân đội

Cùng với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, QĐNDVN tích cực đẩy mạnh nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế và đã đạt nhiều thành tựu mới trên các lĩnh vực.
Đẩy mạnh hoạt động kinh tế, nâng cao sức mạnh của quân đội ảnh 1Lực lượng bộ đội chủ lực với cờ chiến thắng sau khi hoàn thành đánh chiếm mục tiêu. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Cùng với thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tích cực đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế và đã đạt nhiều thành tựu mới trên các lĩnh vực như nghiên cứu khoa học, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực quốc phòng, tham gia phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Các ngành công nghiệp, hậu cần, kỹ thuật, dịch vụ của Quân đội từng bước được đổi mới, phát triển. Quân đội đã sản xuất được nhiều trang bị, vũ khí kỹ thuật, đồ dùng thiết yếu phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của bộ đội, sản xuất nhiều mặt hàng dân dụng phục vụ đời sống xã hội.

Các đơn vị bộ đội thường trực tận dụng đất đai, đẩy mạnh tăng gia sản xuất tập trung, góp phần cải thiện đời sống bộ đội; đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng thao trường với trồng rừng và bảo vệ rừng. Đến nay, nhờ tăng gia sản xuất, các đơn vị quân đội trọng toàn quân đã tự túc được 93% định lượng rau, củ, quả, 54% thịt và 29% cá. Giá trị tăng gia sản xuất (đã trừ chi phí) tăng từ 444.000 đồng/người (năm 2005) lên 1,3 triệu đồng/người (năm 2013).

Các đơn vị sự nghiệp công lập (cơ sở nghiên cứu khoa học, bệnh viện, nhà trường, đoàn nghệ thuật, cơ sở dạy nghề) tổ chức tốt hoạt động dịch vụ gắn với kỹ thuật, chuyên môn, vừa tham gia phát triển kinh tế-xã hội, vừa tạo nguồn thu, góp phần tái đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, duy trì, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ; hỗ trợ cải thiện đời sống cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên của đơn vị, đóng góp một phần ngân sách cho quốc phòng.

Quân đội đã phát huy tốt vai trò nòng cốt xây dựng hệ thống các khu kinh tế-quốc phòng ở những vị trí chiến lược dọc tuyến biên giới, đất liền, ven biển. Đến nay, Quân đội đang triển khai 23 khu kinh tế-quốc phòng, 3 dự án lấn biển và 2 điểm dân cư mới, được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương đánh giá cao.

Các khu kinh tế-quốc phòng từng bước phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội gắn với tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng-an ninh ở những vùng trọng yếu trên tuyến biên giới, biển đảo của Tổ quốc. Đồng thời, các khu kinh tế-quốc phòng đã trở thành nhân tố không thể thiếu trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tổ chức lại dân cư trên các địa bàn chiến lược, khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa.

Quân đội đã tích cực tham gia phát triển một số loại hình kinh tế biển gắn với tăng cường quốc phòng-an ninh trên biển đảo như khai thác, chế biến, nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản, hải sản, đầu tư xây dựng các đội tàu công ích làm dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân; tham gia xây dựng và phát triển ngành đóng tàu biển, dịch vụ biển, dịch vụ cảng biển, trồng rừng trên đảo. Các đội tàu của Quân đội đã kết hợp tốt giữa sản xuất kinh tế với đảm bảo quốc phòng an ninh trên các vùng biển, làm chỗ dựa tin cậy cho ngư dân phát triển triển kinh tế biển, đặc biệt là ở các vùng biển, đảo xa bờ.

Những năm qua, Quân đội đã kịp thời sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp; trong đó tập trung chỉ đạo chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, góp phần điều chỉnh cơ cấu, loại hình và quy mô doanh nghiệp, khắc phục một bước cơ bản tình trạng sản xuất manh mún để tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Các doanh nghiệp quân đội đã bảo đảm việc làm cho gần 200.000 lao động. Nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn đã hình thành, phát triển, hoạt động đạt hiệu quả cao, trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường trong nước và ngoài nước, là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế. Tiêu biểu như Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, Tổng Công ty trực thăng Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc, Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn, Tổng Công ty 319, Tổng công ty 15...

Những hoạt động xây dựng kinh tế của Quân đội đã đáp ứng tốt sự nghiệp quốc phòng, nâng cao sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội, từng bước bố trí lực lượng và tạo thế chủ động trên các địa bàn chiến lược, giải quyết việc làm và thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Đồng thời, góp phần vào sự tăng trưởng, tăng thêm năng lực cho nền kinh tế quốc dân, sản xuất thêm nhiều hàng hóa cho xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục