Đẩy mạnh hợp tác quốc tế rà phá bom mìn tại Việt Nam

Giám đốc điều hành kỹ thuật, Nhóm cố vấn bom mìn MAG cho biết tình trạng ô nhiễm bom mìn tại Việt Nam vẫn còn nặng nề.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế rà phá bom mìn tại Việt Nam ảnh 1Xử lý hầm chứa đạn pháo với số lượng lớn tại Quảng Trị. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Ông Sean Wetherill, Giám đốc điều hành kỹ thuật, Nhóm cố vấn bom mìn MAG (một tổ chức nhân đạo quốc tế hoạt động trong lĩnh vực rà phá bom mìn nhằm góp phần gìn giữ và cải thiện cuộc sống của người dân) tại Quảng Bình cho biết tình trạng ô nhiễm bom mìn tại Việt Nam vẫn còn nặng nề.

Sau chiến tranh, Quảng Bình là một trong những địa bàn còn tồn dư nhiều bom mìn nhất.

Qua 10 năm triển khai việc rà phá bom mìn trên đất Quảng Bình, MAG đã rà phá diện tích có bom mìn lên tới gần 1.834.000m2. Số vật liệu nổ đã được xử lý là hơn 71.300 vật.

Tuy nhiên, số vật liệu nổ sau chiến tranh vẫn còn rất lớn, do đó MAG ưu tiên xử lý những vùng, những địa điểm đã được lập kế hoạch thay vì rà phá trên phạm vi rộng cùng một lúc.

Ưu tiên những khu dân báo

Cùng đội liên lạc cộng đồng của MAG, chúng tôi đến nhà bà Hoàng Thị Thái ở thôn Tân Định, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) để đánh dấu địa điểm có bom do gia đình vừa mới thông báo.

Gia đình bà Thái cho biết mấy năm trước đây bà Thái làm vườn thì phát hiện có bom bi đang nằm dưới lòng đất. Bà Thái đã đắp đất lại và trồng cây đánh dấu. Quan sát khắp khu dân cư nơi đây, phải nói rằng vùng đất ven biển này đang hồi sinh mạnh mẽ, cây cối được trồng xanh tươi. Các gia đình xung quanh đều có khuôn viên rộng, có cây cảnh, vườn, ao và chuồng chăn nuôi.

Tuy nhiên theo ông Trần Văn Phụng, Đội trưởng đội liên lạc cộng đồng của MAG, trong thời kỳ chiến tranh, đây là vùng ven biển, đạn pháo từ biển bắn vào, rồi máy bay rải bom bi nên nhiều khả năng khu vực này còn rất nhiều bom và vật liệu nổ còn sót lại. Bằng chứng là ngày nào đội liên lạc cũng nhận được thông tin về bom mìn từ các hộ dân trong vùng báo.

Đến giữa tháng 11, Đội của ông Phụng đã đến được hơn 50 hộ trong tổng số 307 hộ dân trong thôn, đã phát hiện thêm 6 khu vực có bom do dân báo. Đội đã dùng thiết bị đánh dấu khoanh vùng để đội kỹ thuật đến xử lý công đoạn tiếp theo.

Ông Phụng chia sẻ thêm Đội liên lạc cộng đồng dành ưu tiên thứ nhất ở những khu vực dân biết và thông báo. Thứ hai là rà phá hiện trường cố định ở những khu vực chính quyền có kế hoạch xây dựng trường học, trạm y tế, phát triển cộng đồng dân cư. MAG sẽ rà toàn bộ khu vực được xây dựng. Phương pháp thứ ba là xử lý khẩn khi nhận được thông báo có vật liệu nổ trên mặt đất. Tình huống nguy hiểm trực tiếp sẽ được xử lý ngay trong vòng 72 giờ đồng hồ kể từ khi được thông báo.

Khó khăn khi rà phá

Khi chúng tôi đến hiện trường khu rà phá bom mìn tại thôn Kim Nai, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình, mặc dù là gần trưa nhưng các công nhân trong đội kỹ thuật rà phá bom mìn vẫn nhẫn nại làm việc bởi họ phải gom bom bi và vật liệu nổ để hủy ngay sau khi phát hiện theo quy định.

Vào vùng thực địa, điểm xuyết trên những luống cây cao su cao hơn 2m của người dân trồng là những ô vuông rộng khoảng 1m vuông được chăng dây màu đỏ, báo hiệu có vật liệu nổ phía dưới.

Theo đội liên lạc cộng đồng của MAG thu thập được, khu vực này có tới có 97 điểm nguy hiểm, tức là có 60 nơi có bom bi và 37 địa điểm có các loại đạn, lựu đạn, ngòi nổ... Bên cạnh đó có 1 nhiệm vụ khẩn là 1 quả bom lộ thiên.

Anh Trần Xuân Thắng, điều phối hoạt động kỹ thuật MAG Quảng Bình cho biết từ một vài thông tin của người dân, đội đã xác định được ở điểm số 97 là trung tâm của đợt rải thảm bom bi trong thời kỳ chiến tranh. Do đó nhiệm vụ số 97 được coi là nặng nề nhất nên đội rà phá xác định rất kỹ càng 4 phía xung quanh.

Đội đã lập hồ sơ được 3.600m2 đất trong khu vực nhưng lượng bom bi còn rất lớn. Bởi khi máy bay thả bom bi có thể kéo dài hàng km. Một ngày bình thường rà khoảng 15m2 nên có những nhiệm vụ đội phải thực hiện từ 3-4 tháng.

Nói về khó khăn trong công tác này, anh Thắng chia sẻ có những trường hợp khi đội liên lạc nhận được thông báo khu dân cư có bom, kỹ thuật viên đến xác định tọa độ điểm rơi để rà xung quanh xác định tiếp các quả bom bi khác được rải theo chùm. Tuy nhiên, khi đội kỹ thuật đến thì bà con đã di dời quả bom ra chỗ khác để xây nhà nên rất khó xác định thêm.

Điển hình như làng biển Cảnh Dương, trong thời kỳ chiến tranh bà con đã rời làng đi chiến đấu, làng bị bom bỏ nhiều, sau này bà con về xây dựng lại nhà cửa trên nền đất cũ. Chắc chắn dưới nhiều ngôi nhà vẫn còn rải rác bom bi nhưng rất khó khăn khi tiếp tục rà soát toàn bộ khu vực bởi các công trình xây dựng đang ở bên trên.

Khó khăn tiếp theo là khi nhà tài trợ quốc tế đưa một khoản tiền tài trợ nhất định cho mỗi khoảng thời gian, có nghĩa sẽ quy ra được rà phá bao nhiêu mét vuông ô nhiễm bom mìn. Do đó, mức độ ô nhiễm thì rộng, bắt buộc MAG phải rà theo những mức độ ưu tiên.

Cần hợp tác quốc tế trong rà phá bom mìn

Chúng tôi đến Quảng Bình sau khoảng gần 1 tháng xảy ra vụ nổ bom tại huyện Tuyên Hóa vào ngày 23/11 làm một học sinh tử vong và một em bị thương nặng. Nguyên nhân được xác định do học sinh nhặt được một đầu nổ do chiến tranh sót lại từ bên ngoài rồi mang đến trường.

Trong giờ ra chơi, em học sinh này đã mang đầu nổ ra khu vực sân thể dục để chơi thì bị phát nổ. Hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh vẫn còn hiện hữu sau gần 40 năm, nhất là ở những tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, nơi tập trung nhiều bom đạn.

Theo thống kê đã có hơn 40.000 người chết (trong đó tới 30.000 trẻ em) và 60.000 người bị thương do bom mìn sau chiến tranh.

Bom mìn, vật liệu nổ không chỉ ảnh hưởng nặng nề tới việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, mà còn đe dọa tính mạng người dân hàng ngày hàng giờ. Hàng năm, Việt Nam đã chi hàng nghìn tỷ đồng cho việc rà phá, cấp cứu hỗ trợ các nạn nhân…

Nói về công tác rà phá bom mìn hiện nay, ông Đôn Tuấn Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, cơ quan đầu mối trong vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài cho biết Chính phủ Việt Nam sẽ huy động tối đa nguồn lực để khắc phục hậu quả chiến tranh song cũng rất cần sự giúp đỡ của quốc tế.

Các tổ chức quốc tế và phi chính phủ nước ngoài thực tế đã tham gia với Việt Nam gần 20 năm qua trong lĩnh vực này. Và mỗi một năm các tổ chức này đã tài trợ khoảng 10-15 triệu USD.

Hiện nay có 4 công tác chính để giải quyết vấn đề này. Đó là công tác rà phá bom mìn vật liệu chưa nổ, giảm nguy cơ gây thương vong. Các nhà tài trợ quốc tế đã giúp mua thiết bị rà phá, tiến hành rà phá, khảo sát ở các vùng bị ô nhiễm nặng. Thứ hai là công tác hỗ trợ nạn nhân không may bị bom mìn gây thương vong. Tiếp theo là công tác tái thiết phục hồi sau rà phá và cuối cùng là hỗ trợ nâng cao nhận thức về nguy cơ và hiểm họa của bom mìn và vật liệu chưa nổ.

Về cấp quốc gia, các tổ chức quốc tế, phi chính phủ nước ngoài hỗ trợ cho quá trình khảo sát, vẽ bản đồ các khu vực bị ô nhiễm bom mìn; hình thành cơ sở dữ liệu về bom mìn vật liệu chưa nổ, các khu vực bị ô nhiễm và các nỗ lực rà phá... Những công tác này là rất cần thiết, vì chúng ta xác định những gì đã làm được, những gì chưa được làm và khoảng trống là ở đâu.

Vào tháng 4/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt chương trình hành động quốc gia về khắc phục hậu quả bom mình sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (Chương trình 504) với mục tiêu huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu, tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn; đẩy nhanh tốc độ rà phá bom mìn.

Hiện cả nước còn khoảng 6,6 triệu ha đất (trên 21% diện tích đất nước) bị ô nhiễm bởi 800.000 tấn bom mìn các loại, chưa kể số còn sót lại trên biển. Ban chỉ đạo 504 đặt mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ giải phóng diện tích này trong khoảng thời gian dưới 100 năm. Kế hoạch 5 năm tới là rà phá, làm sạch sẽ tập trung ở 6 tỉnh có mật độ bom mìn còn sót lại nhiều nhất là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Ngoài ra, trước năm 2015, Ban chỉ đạo cũng cần lập xong bản đồ ô nhiễm bom, mìn trên toàn quốc.

Chiến tranh đã lùi xa, tuy nhiên để giải quyết hậu quả của nó vẫn còn nặng nề, do đó trong giai đoạn sắp tới, Chính phủ Việt Nam rất cần sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế cũng như những tổ chức phi chính phủ nước ngoài nhằm nâng cao năng lực và huy động nhiều nguồn lực để tăng tốc độ rà phá bom mìn./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục