Đẩy mạnh kết nối giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Việc đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng giao thông kết nối trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam là đòi hỏi bức thiết hiện nay, nhằm khai thác hết lợi thế để phát triển kinh tế.
Đẩy mạnh kết nối giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ảnh 1Tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Nhiều năm qua Chính phủ đã đầu tư vào hạ tầng giao thông khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam rất lớn, nhưng mạng lưới kết nối giao thông trong vùng và liên vùng vẫn còn nhiều hạn chế, gây cản trở phát triển kinh tế khu vực.

Việc đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng giao thông kết nối trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam là đòi hỏi bức thiết hiện nay, nhằm khai thác hết lợi thế để phát triển kinh tế.

Cần cơ chế điều phối

Mặc dù được quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm nhưng nhiều chuyên gia cho rằng khu vực này vẫn còn thiếu những cơ chế đặc thù phù hợp cho phát triển kinh tế vùng, thiếu thể chế điều phối và liên kết của vùng.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, việc liên kết, phối hợp phát triển vùng còn yếu, chưa hình thành cơ chế hiệu quả phối hợp liên kết cấp vùng trong việc điều chỉnh và thực hiện các mục tiêu quy hoạch, đặc biệt là về hạ tầng giao thông nên chưa tạo điều kiện phát huy được sức mạnh tổng hợp toàn vùng, lợi thế của từng địa phương trong vùng.

Ngoài ra, ranh giới hành chính vẫn là trở ngại lớn, gây tình trạng chia cắt, không tạo điều kiện thực hiện các mục tiêu quy hoạch cấp vùng theo một không gian kinh tế thống nhất.

Dù có nhiều điều kiện phát triển nhưng tiềm năng, thế mạnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa được phát huy xứng tầm. Ông Lưu Đình Khẩn, Giám đốc Sở Xây dựng Long An cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là do sự điều phối của toàn vùng chưa có, chưa hình thành một ban điều phối vùng đủ mạnh để điều hành, giải quyết các vấn đề quan trọng của vùng. Điều này có nghĩa là khu vực này đang cần một thể chế phát triển tốt cũng như cơ chế để thu hút các nguồn lực vào khu vực kinh tế trọng điểm này.

Tiến sỹ Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình Định cư Con người Liên hợp quốc, cho rằng dù Chính phủ đã có quyết định và quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhưng vẫn thiếu một thể chế để điều phối các tỉnh trong vùng để thống nhất một chiến lược phát triển. Các bộ ngành phải có quá trình phân cấp xuống cùng với các tỉnh để cùng quyết định với nhau tạo ra cơ chế điều phối.

Hiện nay, mỗi tỉnh có một chiến lược phát triển riêng, không gian kinh tế còn bị chia cắt bởi không gian hành chính. Để có một không gian kinh tế thống nhất đòi hỏi các tỉnh phải điều phối lẫn nhau và cần có một quản trị, đó chính là nhu cầu cấp thiết của liên kết vùng. Liên kết để tận dụng lợi thế ưu tiên của từng địa phương, chẳng hạn như địa phương này có bến cảng, sân bay thì địa phương kia có những khu nguyên liệu như dịch vụ du lịch, cảnh quan để đảm bảo sự phát triển đó có tính đa chiều. Chính việc tạo ra một không gian thể chế thống nhất ở vùng sẽ giúp các địa phương giảm bớt gánh nặng chi phí, đặc biệt trong đầu tư hạ tầng.

Tập trung đồng bộ kết cấu hạ tầng

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trọng Hòa, phải coi kết cấu hạ tầng là nền tảng cho sự phát triển về chất của nền kinh tế toàn vùng, cần tập trung để sớm hình thành đồng bộ khung hạ tầng cơ sở của vùng, tạo ra sự thống nhất về giao thông giữa cảng, sân bay, khắc phục tình trạng tự phát, chia cắt về hạ tầng giữa các địa phương trong vùng.

Được đánh giá là vùng có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, nhưng theo tiến sỹ Lê Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp (Ban Kinh tế Trung ương), hệ thống kết cấu hạ tầng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tuy có phát triển nhưng chưa theo kịp với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và đang ngày càng quá tải, lạc hậu, thiếu tính kết nối, là một điểm nghẽn của quá trình phát triển. Hạ tầng xã hội thì thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, hiệu quả sử dụng chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là y tế, giáo dục.

Ông Lưu Đình Khẩn chia sẻ, cự ly giữa Long An-Thành phố Hồ Chí Minh rất gần, nhưng cái khó hiện nay là hạ tầng kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều hạn chế, kể cả giao thông thủy, giao thông bộ và các đường cao tốc. Trong khi đó, kết nối giữa các tuyến giao thông liên huyện với các tuyến quốc lộ và đường cao tốc rất hạn chế. Điều này là thiệt thòi không chỉ riêng Long An mà là cả vùng bởi vì không phát huy được nguồn lực tại chỗ, hàng hóa vận chuyển từ miền Trung, Thành phố Hồ Chí Minh đến Đồng Bàng sông Cửu Long và ngược lại đều đi qua Long An.

Tỉnh cũng đã chủ động liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai thậm chí là các tỉnh Tiền Giang, Cần Thơ chủ yếu về hạ tầng giao thông bộ và giao thông thủy, nhờ đó các vùng như Tân Hưng, Vĩnh Hưng trước đây là giao thông độc đạo, hiện nay có thể đi nhiều hướng khác nhau, đó cũng là một trong những hiệu quả từ liên kết vùng.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hảo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, địa phương có hệ thống các trục giao thông hướng tâm, giao thông vành đai, giao thông đường sắt, giao thông công cộng của quốc gia và vùng đi qua địa bàn, Bình Dương có rất nhiều cơ hội phát triển với điều kiện phải kết nối và khai thác tốt các lợi thế này. Bình Dương rất muốn và đã đầu tư hoàn chỉnh các kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh nhưng đang chờ đấu nối với Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai.

Chiến lược phát triển của Bình Dương trong thời gian tới là phát triển và kết nối hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đối với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Quy hoạch tổng thể vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 13/2/2014 cũng tập trung phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông là nhiệm vụ cần ưu tiên. Cụ thể, đến năm 2020, khoảng 580km đường bộ cao tốc sẽ hoàn thành, 80% đường giao thông nông thôn được cứng hóa mặt; xây dựng nhanh các tuyến giao thông huyết mạch trục Quốc lộ 51, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22 tuyến đường xuyên Á, nhanh chóng cải thiện giao thông đô thị, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, tập trung xây dựng sân bay quốc tế mới cho toàn vùng khi sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải; nâng cấp, xây dựng mới mạng lưới điện, đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục