Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập, phục vụ phát triển bền vững

Tại Hội nghị Ngoại giao thứ 29, trí tuệ tập thể được phát huy cao độ để nhận diện thời cơ, đánh giá thách thức và định hình những biện pháp hữu hiệu nhằm đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu.
Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập, phục vụ phát triển bền vững ảnh 1Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 26/8, tại Hà Nội, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế - Thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII” đã kết thúc sau năm ngày làm việc (từ 22-26/8/2016).

Nhân dịp này, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29.

Sau đây là nội dung phỏng vấn:

- Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 vừa kết thúc, Thứ trưởng có thể chia sẻ về những kết quả chính đã đạt được tại Hội nghị Ngoại giao lần này?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Sau năm ngày làm việc khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao, xây dựng, thẳng thắn và tâm huyết, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 đã thành công tốt đẹp.

Hội nghị lần này được tổ chức với nhiều đổi mới về hình thức tổ chức theo phương châm dân chủ, đề cao tư duy đổi mới và sáng tạo, coi trọng tính tương tác và tư duy phản biện khoa học. Chính điều này tạo ra không khí trao đổi rất thẳng thắn, thực chất, tiếp cận toàn diện, nhiều chiều.

Hội nghị nhận được quan tâm rất lớn với 700 đại biểu gồm các đồng chí Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện, đại diện các bộ, ngành , địa phương và các cán bộ chủ chốt của Bộ Ngoại giao. Hội nghị cũng vinh dự được nghe chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội.

Chín đồng chí ủy viên Bộ chính trị tham dự, trao đổi và đối thoại với các đại biểu. Hội nghị đã nghe gần 20 tham luận của các Bộ trưởng, Trưởng ban và lãnh đạo các ban, bộ, ngành tại các phiên họp khác nhau và khoảng 200 lượt ý kiến phát biểu, đóng góp của các đại biểu dự Hội nghị.

Hội nghị nhất trí rằng kết quả đối ngoại trong những năm qua tạo cho Việt Nam một cục diện quan hệ rộng lớn, vị thế đối ngoại chưa từng có (quan hệ ngoại giao với 187 nước, 15 đối tác chiến lược, Hiệp định thương mại tự do với 55 quốc gia và vùng lãnh thổ).

Từ vị thế đối ngoại này, chúng ta đã giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển; góp phần quan trọng vào việc giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, bảo vệ an ninh và chế độ xã hội chủ nghĩa; chủ động tham gia công việc chung, góp phần nâng cao vị thế của đất nước.

Để nâng cao hơn nữa công tác đối ngoại, Hội nghị đã quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng XII, Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tại Hội nghị, trí tuệ tập thể cũng được phát huy cao độ để nhận diện thời cơ, đánh giá thách thức và định hình những biện pháp hữu hiệu nhằm đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, phục vụ tốt nhất lợi ích quốc gia-dân tộc.

- Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, tại Phiên họp thứ hai có nội dung Ngoại giao phục vụ phát triển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự và phát biểu chỉ đạo với thông điệp đáng chú ý đó là ngoại giao kiến tạo phục vụ phát triển. Theo Thứ trưởng, Ngoại giao kiến tạo được hiểu như thế nào?


Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn:
Tôi cho rằng ở các cơ quan Nhà nước, trong đó có Bộ Ngoại giao là những nơi chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về từng lĩnh vực, do đó có đầy đủ thông tin, kiến thức để hỗ trợ nhiệm vụ chính. Kiến tạo ở đây chính là tạo ra môi trường tốt để các địa phương, doanh nghiệp, chủ thể tham gia vào hoạt động phát triển kinh tế, xã hội được hiệu quả và tốt nhất.

Với ngành ngoại giao tôi cho rằng kiến tạo phát triển chính là tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm của các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, của ngành ngoại giao về kinh nghiệm phát triển của các nước hiện nay. Với kinh nghiệm đó vào Việt Nam, chúng ta cần có những điều chỉnh cho phù hợp. Kiến tạo ở đây cũng là kiến nghị với Quốc hội có những vấn đề cần sửa đổi luật pháp cho phù hợp với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cái mới là chúng ta phải để cho người dân, doanh nghiệp là chủ thể tham gia vào các hoạt động này một cách hiệu quả nhất.

Với tinh thần đó, tôi cho rằng ba lĩnh vực ngành ngoại giao tham gia được: Một là tham vấn, chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn các bộ, ngành chủ quản. Hai là, chúng tôi hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu kể cả hàng hóa, lao động, thu hút đầu tư nước ngoài. Mỗi một địa bàn, chúng tôi đều đề nghị các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tham vấn với nước sở tại và chia sẻ kinh nghiệm với các nước xem họ làm về lĩnh vực đó như thế nào.

Về lĩnh vực đầu tư, chúng tôi rất cần kênh liên lạc để chắp mối hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp trực tiếp kết nối với đối tác có năng lực, khoa học công nghệ, vốn để triển khai được hiệu quả. Các doanh nghiệp của Việt Nam còn rất bỡ ngỡ với những thiết chế, cơ chế đa phương. Ở địa phương, doanh nghiệp cũng mới chập chững trong việc tham gia trực tiếp vào thiết chế đa phương, không có gì hơn là Bộ Ngoại giao cũng sẽ hỗ trợ, giúp đỡ, chắc chắn sẽ hiệu quả hơn. Điều đó sẽ tạo ra không gian, mở rộng thị trường, kể cả hàng hóa, đầu tư, xuất khẩu, lao động... để doanh nghiệp chúng ta tham gia hiệu quả nhất.

- Xin Thứ trưởng cho biết, trọng tâm công tác ngành ngoại giao trong những năm tới là gì?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Hội nghị đã quán triệt và cụ thể hóa tư tưởng chỉ đạo của Đảng về công tác đối ngoại, những ý kiến đóng góp, nhiều sáng kiến và đề xuất thành những kế hoạch cụ thể trong Chương trình hành động Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29. Thực sự, đây chính là cẩm nang và hành trang cho mỗi cán bộ ngoại giao trên mặt trận đối ngoại trong những năm tới. Theo đó, trong 3-5 năm tới, ngành ngoại giao sẽ tập trung làm tốt năm nhóm nhiệm vụ bao trùm:

Một là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hai là đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác chiến lược và các nước lớn có vai trò quan trọng đối với phát triển và an ninh của Việt Nam ; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để phục vụ công cuộc phát triển bền vững đất nước.

Ba là nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, chủ động, tích cực tham gia hoạt động của các tổ chức quốc tế và khu vực, các diễn đàn đa phương, đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc, các cơ chế tiểu vùng, chủ động đóng góp xây dựng định hình các thể chế đa phương, thực hiện hiệu quả các thỏa thuận, hiệp định đã ký, khẳng định và phát huy vai trò thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Bốn là chủ động, tích cực hoạt động trên các lĩnh vực ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và công tác bảo hộ công dân; phối hợp chặt chẽ ngoại giao Nhà nước với đối ngoại Đảng, đối ngoại Quốc hội, đối ngoại nhân dân, giữa ngoại giao với an ninh, quốc phòng.

Năm là nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác đối ngoại; tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đối ngoại chuyên nghiệp có đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ hội nhập quốc tế toàn diện.

- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục