Sáng 20/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát.
Khắc phục xuất khẩu nông sản thô
Trả lời băn khoăn của đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) về tình trạng cây điều thua ngay trên sân nhà; phải nhập điều nước ngoài có chất lượng kém để xuất khẩu, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định việc phát triển cây điều được xác định là trọng tâm của ngành nông nghiệp.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã yêu cầu bố trí tập trung lực lượng cao nhất để chọn tạo giống điều có năng suất, chất lượng cao; xây dựng trung tâm sản xuất giống điều và tổ chức các dự án khuyến nông trên quy mô lớn để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân.
Bộ trưởng nhận định vấn đề mấu chốt là năng suất điều thấp dẫn đến thu nhập của nông dân thấp nên bà con đã chặt bỏ điều để trồng cây khác.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) về trách nhiệm của ngành nông nghiệp trong việc chọn tạo giống lúa cho năng suất cao, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định rằng con đường ngành lúa gạo phải đi theo đó là chọn tạo sử dụng giống có chất lượng và giá trị thương phẩm cao hơn.
Bộ đã chỉ đạo, điểu chỉnh các chương trình nghiên cứu chọn tạo giống lúa, trong đó tập trung cao độ các lực lượng để sớm nghiên cứu tạo ra giống với giá trị thương phẩm cao, có giá trị phát triển bền vững, ổn định nhiều năm để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất quy mô lớn, chất lượng đồng đều, xây dựng thương hiệu và xuất khẩu trên thị trường.
Đại biểu Võ Thị Dung (Thành phố Hồ Chí Minh) chất vấn về các giải pháp khắc phục tình trạng xuất khẩu nông sản thô. Bộ trưởng Cao Đức Phát thẳng thắn nhìn nhận đây là vấn đề rất lớn của ngành nông nghiệp và là nội dung trọng tâm trong thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp Việt Nam.
Sửa đổi chính sách tín dụng ngân hàng, phục vụ phát triển nông nghiệp
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã tham gia giải trình thêm một số nội dung ngành ngân hàng đã triển khai để hỗ trợ ngành nông nghiệp phát triển.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định hệ thống ngân hàng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để tập trung đầu tư phát triển cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tuy nhiên, ý kiến các đại biểu nêu đã phản ánh một thực trạng hoạt động sản xuất nông nghiệp có một số nội dung bị chững lại, một số lĩnh vực có giảm sút.
Lý giải thực trạng này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đánh giá xét dưới góc độ 30 năm đổi mới và phát triển, ngành nông nghiệp đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh Đảng, Nhà nước nhân dân giao phó. Thành tựu đã đạt được của nông nghiệp Việt Nam là sự nỗ lực của người nông dân và toàn hệ thống chính trị. Bước sang thời kỳ mới, để nông nghiệp phát triển cần có những cơ chế, chính sách mới phù hợp hơn.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế; tái cơ cấu nền nông nghiệp... là những tiền đề quan trọng để cải cách sâu rộng ngành nông nghiệp trong thời gian tới. Thống đốc khẳng định ngành ngân hàng đang tập trung sửa đổi lại các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng để phục vụ hiệu quả phát triển nông nghiệp.
Trả lời chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về vấn đề tạm trữ lúa gạo, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết Ngân hàng Nhà nước đã cung cấp đầy đủ, kịp thời vốn cho công tác này. Các lĩnh vực khác, ngành cũng cung cấp một lượng vốn rất lớn cho các sản phẩm chủ lực của thủy sản như cá tra, cá basa...
Đối với cây càphê, Thống đốc cho biết cũng đã cung cấp đầy đủ vốn. Tuy nhiên, theo Thống đốc, với cây càphê, vốn chỉ là một yếu tố, còn lại giống và quy hoạch tổng thể là vấn đề quan trọng. Hiện ngành ngân hàng đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các địa phương để quy hoạch và chọn giống tốt. Trong các lĩnh vực khác, Thống đốc cho biết đến nay tổng dư nợ cho vay đối với người nghèo lên đến 118.000 tỷ đồng. Mặc dù nền kinh tế có khó khăn nhưng vẫn đảm bảo tăng từ 7-10%...
Tập trung phục hồi đà tăng trưởng của ngành nông nghiệp
Phát biểu kết thúc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội và phần trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc, thấu đáo tới lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị trên cơ sở các vấn đề đã được giải đáp, Bộ trưởng Cao Đức Phát phối hợp với cùng các bộ, ngành có liên quan, tiếp tục nghiên cứu sâu hơn để đưa ra các giải pháp căn cơ hơn, góp phần phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Nêu rõ các vấn đề ngành nông nghiệp cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, trong hai năm 2014-2015, cần tập trung phục hồi đà tăng trưởng GDP trong ngành nông nghiệp; phối hợp với các ngành và địa phương tập trung cho công tác xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị ngành nông nghiệp tiếp tục quan tâm đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp một cách toàn diện; có báo cáo Quốc hội tiến độ thực hiện nhiệm vụ này.
Chủ tịch Quốc hội nêu lên một số chính sách cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ, gồm chính sách đối với ngư dân bám biển ra khơi; quan tâm đời sống nhân dân vùng thủy điện tái định cư; chọn tạo giống có chất lượng tốt; hỗ trợ bảo quản sau thu hoạch...
Thời gian tới, ngành nông nghiệp cần tiếp tục có sự chỉ đạo và quan tâm tới quản lý vật tư nông nghiệp.
Ngay sau phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội./.