Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào đô thị mới Thủ Thiêm

Gần 200 nhà đầu tư trong và ngoài nước đã tham dự Hội nghị “Xúc tiến đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm,” tổ chức ngày 8/5, tại TP.HCM.
Gần 200 nhà đầu tư trong và ngoài nước đã tham dự Hội nghị “Xúc tiến đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm,” tổ chức ngày 8/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại hội nghị, Ban quản lý Đầu tư-Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã giới thiệu tiềm năng phát triển và các cơ hội đầu tư vào Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cũng như tiến độ xây dựng, hoàn thành các dự án hạ tầng kỹ thuật, tiến độ thu hồi đất, tình hình thực hiện đầu tư của các dự án đang triển khai và giới hiệu các dự án lớn được Thành phố Hồ Chí Minh mời gọi đầu tư.

Theo Ban quản lý, để chuẩn bị cho dự án này, Thành phố Hồ Chí Minh đã mất hơn 10 năm giải tỏa 15.000 hộ với khoảng 60.000 dân thuộc 5 phường của quận 2. Trong đó, riêng số tiền để giải phóng mặt bằng, tính đến cuối tháng Một năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã phải chi hơn 16.600 tỷ đồng.

Ngoài ra, thành phố còn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho hạ tầng giao thông để nối bán đảo Thủ Thiêm với các quận 1, Bình Thạnh, như xây cầu Thủ Thiêm, đường hầm sông Sài Gòn, đường Mai Chí Thọ, cải tạo đường Trần Não… xây dựng nhà tái định cư cho người dân bị giải tỏa.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban quản lý Đầu tư-Xây dựng Khu đô thị Thủ Thiêm cho biết đến nay, thành phố đã giải phóng hơn 98,2% mặt bằng, chỉ còn khoảng 15ha, tương ứng với 150 hồ sơ trên tổng số gần 15 ngàn hồ sơ giải phóng mặt bằng.

[Xây dựng hệ thống kỹ thuật khu đô thị Thủ Thiêm]

Về công tác đầu tư, hiện có 9 dự án được chấp thuận, nghiên cứu của Ủy ban Nhân dân thành phố; trong đó có 4 dự án có nhà đầu tư nước ngoài tham gia đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc). Vừa qua, Dự án khu nhà ở thấp tầng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật chính Công ty Cổ phần Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh thực hiện đã khởi công vào cuối tháng Tư vừa qua.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung ưu tiên thu hút đầu tư vào các dự án trong khu vực lõi của khu đô thị mới này như Trung tâm Hội nghị triển lãm; các dự án liên quan tới tài chính, ngân hàng, dịch vụ tài chính quốc tế; khách sạn đạt chuẩn quốc tế ở khu phía Đông và khu phúc hợp trung tâm giải trí đa năng, dự án công viên nước...

Về hình thức đầu tư, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, tùy theo từng dự án mà thành phố có thể áp dụng các hình thức như BT, BOT, PPP (hợp tác công tư), đầu tư 100% vốn nhà đầu tư.

Tại hội nghị, các nhà đầu tư cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, giảm giá thuê đất, cải cách thủ tục hành chính thu hút đầu tư... tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng sở dĩ Khu đô thị Phú Mỹ Hưng nhanh chóng thu hút các nhà đầu tư là họ đã tự bỏ tiền ra xây dựng đường Nguyễn Văn Linh và các tuyến đường trục ngang, từ đó mới kêu gọi được các nhà đầu tư vào xây dựng các dự án nhà ở và đầu tư hạ tầng vào khu dân cư.

Theo ông Châu, quan trọng là thành phố phải tạo được lòng tin với nhà đầu tư như quy hoạch các tuyến đường trục xuyên tâm đến năm 2016 hoàn thiện, phải chắc chắn để các nhà đầu tư yên tâm thực hiện dự án của mình.

Ngoài ra, một vấn đề được nhà đầu tư quan tâm là giá thuê đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện ở mức khá cao. Theo nhiều nhà đầu tư, trong lúc cơ sở hạ tầng chưa có gì mà đã ấn định một mức giá thuê đất cao khiến nhà đầu tư gặp khó. Cần chia thành 3 giai đoạn là lúc đầu chưa có cơ sở hạ tầng, có thể giá thuê đất thấp, thậm chí chấp nhận lỗ. Cần có chính sách ưu đãi với những nhà đầu tư tiên phong. Khi Nhà nước đã đầu tư hạ tầng cơ bản, giá đất có thể tăng lên ở mức hòa vốn. Và khi hạ tầng hoàn thiện, giá thuê đất cao lên để bù chi phí đầu tư.

Ở khía cạnh khác, ông Vũ Viết Phong, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư./.

Hoàng Anh Tuấn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục