Đẩy mạnh thực thi quy định pháp luật cạnh tranh

Sau gần năm thực thi các quy định của Luật Cạnh tranh, đã có hơn 40 vụ việc liên quan đến vi phạm các quy định bị điều tra, xử lý.
Ngày 28/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng Cạnh tranh Việt Nam và Dự án hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn ba (EU-Viet Nam MUTRAP III) đã phối hợp tổ chức hội thảo “Năm năm thực thi pháp luật cạnh tranh trong kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh ở Việt Nam."

Đây là diễn đàn để các nhà quản lý, đại diện các cơ quan có liên quan và doanh nghiệp trao đổi, thảo luận, chia sẻ những vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm hoàn thiện, đẩy mạnh hơn nữa việc thực thi các quy định của pháp luật cạnh tranh.

Sau gần năm năm thực thi các quy định của Luật Cạnh tranh, đã có hơn 40 vụ việc liên quan đến vi phạm các quy định của pháp luật cạnh tranh bị điều tra, xử lý. Trong số các vụ việc này đã có ba vụ việc liên quan đến các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền, lạm dụng vị trí thống lĩnh, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đã bị điều tra, xử lý với mức phạt lên tới hàng tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh, việc điều tra, xử lý các vụ việc này đã theo đúng các quy trình, trình tự của pháp luật, một mặt đã gây tiếng vang lớn trong cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam, trong đại bộ phận người dân; góp phần điều chỉnh nhận thức của các doanh nghiệp trong việc sản xuất, kinh doanh, tuân thủ các quy định của luật pháp, đảm bảo lợi ích người tiêu dùng; mặt khác thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới doanh nghiệp nước ngoài đang và dự định hoạt động tại Việt Nam.

Ông khẳng định, để có được thành quả trên, các cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh đã nỗ lực không ngừng trong xây dựng bộ máy, tổ chức triển khai các hành động cụ thể nhằm bảo vệ thành quả mà các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công Thương, cũng nhận định việc pháp luật cạnh tranh ra đời đã tạo một bước tiến mới về nhận thức trong việc hoạch định các chính sách quản lý ngành, ban hành các quy định của pháp luật cũng như sử dụng các mệnh lệnh hành chính. Các quy định trái với pháp luật về cạnh tranh đã không còn phổ biến. Các mệnh lệnh hành chính với tinh thần đi ngược lại pháp luật về cạnh tranh gần như không còn xuất hiện.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã nêu lên một số kinh nghiệm từ thực tiễn xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh tại Việt Nam; kiến nghị hoàn thiện Luật cạnh tranh và bộ máy thực thi Luật trong lĩnh vực cạnh tranh; thủ tục tổ tụng về xử lý vụ việc cạnh tranh; vướng mắc, bất cập trong các quy định và thực thi các quy định của pháp luật về xử lý vụ việc cạnh tranh./.

Hà Huy Hiệp (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục