Đẩy mạnh tuyên truyền nội dung công ước phòng, chống tra tấn

Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu nội luật hóa các quy định của Công ước chống tra tấn, tuyên truyền nội dung công ước cho cán bộ, nhân dân cả nước và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về việc này.
Đẩy mạnh tuyên truyền nội dung công ước phòng, chống tra tấn ảnh 1Toàn cảnh phòng họp chung của Hội đồng Nhân quyền ở Geneva, Thụy Sĩ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu nội luật hóa các quy định của Công ước chống tra tấn, tuyên truyền nội dung công ước cho cán bộ, nhân dân cả nước và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về việc này.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị cung cấp thông tin về công tác nhân quyền cho báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 26/10 tại Hà Nội.

Theo đó, ngày 28/11/2014, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phê chuẩn Công ước chống tra tấn. Việt Nam cũng đã hoàn thiện các thủ tục và nộp văn kiện phê chuẩn Công ước cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc vào ngày 5/2/2015.

Sau khi trở thành thành viên của Công ước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước.

Thực hiện kế hoạch này, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền nội dung Công ước, nghiên cứu nội luật hóa các quy định của Công ước vào hệ thống pháp luật theo hướng sửa đổi, bổ sung và ban hành một số bộ luật, luật như: Bộ luật hình sự 2015, Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015…

Ngoài ra, Bộ Công an đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ thư ký xây dựng Báo cáo quốc gia của Việt Nam về thực thi Công ước. Tới nay, Bộ Công an đã tổ chức hai hội thảo quốc tế để lấy ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước; bốn hội thảo để lấy ý kiến các bộ, ngành, đơn vị đối với Dự thảo báo cáo quốc gia này.

Trong thời gian tới, các đơn vị sẽ tích cực triển khai Kế hoạch của Thủ tướng về thực hiện Công ước chống tra tấn, đặc biệt tập trung vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Báo cáo quốc gia lần đầu tiên của Việt Nam trước Ủy ban chống tra tấn của Liên hợp quốc. Cùng đó, các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu nội luật hóa các quy định, tuyên truyền rộng rãi, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này nhằm góp phần tăng cường uy tín, khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục