Đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý chất thải rắn

Chiều 7/8, ở Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Lễ công bố Báo cáo Môi trường Quốc gia năm 2011 với chủ đề “Chất thải rắn.”
Chiều 7/8, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Lễ công bố Báo cáo Môi trường Quốc gia năm 2011 với chủ đề “Chất thải rắn” với sự tham dự đông đảo các bộ, ngành, trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực môi trường.

Báo cáo Môi trường Quốc gia năm 2011 nêu lên các kiến nghị chính đối với Quốc hội và Chính phủ về việc nghiên cứu điều chỉnh một số chỉ tiêu chiến lược về chất thải rắn cho phù hợp với các điều kiện của Việt Nam. Các đơn vị từ Trung ương đến địa phương được phân công đủ, đúng và rõ trách nhiệm; đồng thời ban hành cơ chế chính sách và các giải pháp cần thiết, phát triển công nghệ phù hợp, đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý chất thải rắn, đa dạng hóa và duy trì tính bền vững các nguồn đầu tư.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh Báo cáo Môi trường Quốc gia năm 2011 đưa ra những đánh giá tổng thể và toàn diện về các vấn đề liên quan đến chất thải rắn ở Việt Nam. Đây sẽ là tài liệu hữu ích cho các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng như mọi người dân quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác quản lý chất thải rắn nói riêng của Việt Nam.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, lượng chất thải rắn phát sinh tại các khu đô thị, khu công nghiệp và cả ở vùng nông thôn đang ngày càng gia tăng với nhiều thành phần phức tạp. Lượng chất thải rắn phát sinh tăng trung bình khoảng 10% mỗi năm.

Theo nguồn gốc phát sinh, khoảng 46% chất thải rắn từ các đô thị, 17% chất thải rắn từ hoạt động sản xuất công nghiệp, chất thải rắn nông thôn, làng nghề và y tế chiếm phần còn lại. Dự báo đến năm 2015, tỷ trọng của chất thải rắn đô thị sẽ tăng lên 51% và chất thải rắn công nghiệp sẽ tăng lên 22%.

Hiện nay, tỷ lệ thu gom chất thải rắn đã tăng lên đáng kể song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, phần lớn chất thải rắn chưa được phân loại tại nguồn mà thu gom lẫn lộn và vận chuyển đến bãi chôn lấp. Công tác tái chế, xử lý chất thải chưa được đạt yêu cầu.

Vấn đề ô nhiễm môi trường do quản lý chất thải rắn không tốt, xử lý chất thải rắn không hợp vệ sinh đã gây những tác động tổng hợp tới môi trường, sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế-xã hội. Mặc dù, công tác quản lý chất thải rắn đã được triển khai, nhiều giải pháp được đề xuất nhằm ngăn chặn ô nhiễm môi trường do chất thải rắn song công tác quản lý chất thải rắn vẫn còn một số tồn tại như thể chế, chính sách về quản lý chất thải rắn chưa hoàn thiện; công tác xã hội hóa, tư nhân hóa và huy động cộng đồng tham gia quản lý chất thải rắn còn hạn chế…

Báo cáo Môi trường Quốc gia năm 2011 gồm bảy chương. Chương 1 là những phân tích đánh giá về vấn đề gia tăng dân số, các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội tạo ra một lượng lớn chất thải gây sức ép đối với môi trường và tính phức tạp, sự nguy hại của các loại chất thải.

Từ chương 2 đến chương 5 tập trung vào việc phân tích hiện trạng chất thải rắn đô thị, nông nghiệp và nông thôn, công nghiệp, y tế cũng như các vấn đề liên quan đến công tác quản lý trực tiếp gồm hoạt động thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý đối với từng loại chất thải rắn.

Chương 6 thực hiện việc đánh giá tổng quan tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra. Nội dung chương 7 tập trung vào việc phân tích, đánh giá công tác quản lý chất thải rắn trong những năm qua, những kết quả đạt được, những bất cập, khó khăn còn tồn tại và đưa ra những giải pháp cụ thể để từng bước tháo gỡ, khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện./.

Thanh Tuấn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục