Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng thị trường xuất khẩu

Thời gian tới, ngành công thương các tỉnh thành phía Nam tập trung vào các giải pháp đa dạng hóa thị trường, tạo đầu ra bền vững cho mặt hàng nông sản.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng thị trường xuất khẩu ảnh 1Đóng gói mít sấy khô xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Tập trung vào các giải pháp đa dạng hóa thị trường, tạo đầu ra bền vững cho các mặt hàng nông sản cũng như cập nhập thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế là những vấn đề sẽ được ngành công thương các tỉnh, thành phía Nam tiếp tục triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tại hội nghị sơ kết công tác xúc tiến thương mại các tỉnh, thành phía Nam trong 6 tháng năm 2014, tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 18/7, ông Ngô Minh Hùng, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết trong thời gian vừa qua, diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông đang ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu các mặt hàng nông sản địa phương và dự đoán sẽ tiếp tục khó khăn trong thời gian tới.

Điển hình mặt hàng thanh long của tỉnh Bình Thuận, hoạt động xuất khẩu kim ngạch vẫn duy trì ổn định, nhưng xuất khẩu qua các con đường tiểu ngạch, biên mậu đã có dấu hiệu giảm đáng kể. Ngoài tỉnh Bình Thuận còn có hơn 20 tỉnh, thành khác trồng thanh long, trong khi đó tỷ lệ tiêu thụ mặt hàng này tại thị trường nội địa chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại là xuất khẩu.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2014 giữ vững tốc tăng trưởng nhưng các mặt hàng xuất khẩu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như gạo, thủy sản giảm và gặp khó khăn.

Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang chia sẻ nhận thức tầm quan trọng của hoạt động xúc tiến thương mại và là một trong những giải pháp quyết định tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tỉnh An Giang đã tăng cường khai thác, mở rộng thị trường trong và ngoài nước thông qua phương thúc liên kết với hệ thống tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức giao thương với mạng lưới phân phối trong cả nước.

Tuy nhiên, một loại nông sản có rất nhiều địa phương trồng nên một địa phương thực hiện xúc tiến đơn lẻ khó đạt kết quả. Do đó, bên cạnh những nỗ lực của chính quyền địa phương, đại diện ngành công thương các tỉnh, thành phía Nam kiến nghị Bộ Công Thương và Cục Xúc tiến thương mại cần có những chiến lược thiết thực đưa sản phẩm gắn với các hệ thống logistics nước ngoài; nghiên cứu thủ tục hành chính, pháp lý để bảo vệ doanh nghiệp, hạn chế rủi ro xuất nhập khẩu. Đồng thời cập nhật thông tin thị trường, tư vấn cho doanh nghiệp xúc tiến sản phẩm vào thị trường phù hợp cũng như tiềm năng.

Ông Ngô Minh Hùng cho rằng hầu hết doanh nghiệp địa phương là doanh nghiệp nhỏ nên bản lĩnh thị trường còn nhiều hạn chế, kinh phí xúc tiến thương mại không đủ nên chủ yếu dựa vào các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.

Vì vậy, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia cần bổ sung và tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ nắm bắt vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế, cam kết trong các Hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia đàm phán và ký kết.

Trong đó chú trọng phân tích những cơ hội, khó khăn hoặc rào cản kỹ thuật ảnh hưởng trực tiếp đến từng địa phương để sơ, ngành và doanh nghiệp có sự chuẩn bị hội nhập cũng như khai thác lợi thế địa phương hiệu quả.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải cho biết đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại nội địa cũng như thị trường quốc tế, đa dạng thị trường xuất khẩu tránh quá tập trung vào một số ít thị trường là một trong những mục tiêu trọng tâm của ngành công thương trong thời gian tới.

Trong đó, ngành công thương đã có nhiều giải pháp như thành lập văn phòng xúc tiến ở các nước thúc đẩy hỗ trợ xuất nhập khẩu; kết nối chặt chẽ mạng lưới tham tán, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp trong nước…

Ngoài ra, ba Hiệp định thương mại của Việt Nam với các nước EU, Hàn Quốc, Liên minh thuế quan dự kiến sẽ ký kết trong năm nay sẽ góp phần mở ra cơ hội mới cho lĩnh vục xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh Bộ Công Thương và Cục Xúc tiến thương mại sẽ tích cực triển khai nhiều chương trình hành động đáp ứng nhu cầu và tháo gỡ khó khăn cho doanh nhiệp, nhưng giải pháp quan trọng hàng đầu vẫn là nâng cao chất lượng sản phẩm mới cải thiện được năng lực cạnh tranh và thâm nhập thành công vào các thị trường xuất khẩu cũng như nắm bắt những điều kiện thuận lợi do Hiệp định thương mại mang lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục