Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Dự án Luật Thủ đô

Việc ban hành Luật Thủ đô sẽ tạo điều kiện cho Hà Nội đủ cơ sở pháp lý để quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô.
Ngày 16/1, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì phiên họp thứ 3 của Ban soạn thảo Luật Thủ đô, đánh giá kết quả 9 năm thực hiện Pháp lệnh Thủ đô và góp ý Dự thảo Dự án Luật Thủ đô.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, việc xây dựng Luật Thủ đô phải phát huy được tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô ngàn năm văn hiến; tạo ra động lực mang tính đột phá cho sự phát triển của Hà Nội.

Bên cạnh đó, dự án Luật cần chú ý đến hàm lượng các cơ chế đặc thù; việc phân cấp quản lý, tạo hành lang thông thoáng hơn cho Thủ đô là cần thiết, nhưng cũng cần quy định chặt chẽ hơn trong một số lĩnh vực như quản lý trật tự đô thị, an toàn giao thông.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị lưu ý Ban soạn thảo trong quá trình xây dựng Luật, cần quan tâm đến đặc thù đô thị của Thủ đô Hà Nội; căn cứ từ tình hình thực tiễn; kế thừa và vận dụng những định hướng quan điểm chỉ đạo của Pháp lệnh Thủ đô, các văn bản, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước; tiếp thu kinh nghiệm quản lý đô thị thủ đô của một số nước có điều kiện tương đồng như Việt Nam.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh, qua 9 năm thực hiện Pháp lệnh Thủ đô, Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế xã hội, vị thế của Thủ đô trong và ngoài nước tiếp tục được nâng cao.

Cùng với Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương, Hà Nội đã trở thành một trong 3 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, khả năng thực thi chưa cao, hiệu lực pháp lý của Pháp lệnh chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển Thủ đô.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội khẳng định, Dự án Luật Thủ đô sẽ là một văn kiện pháp lý có vị trí, chức năng và vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô Hà Nội và của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Việc xây dựng và ban hành Luật Thủ đô sẽ tạo điều kiện cho Hà Nội đủ cơ sở pháp lý để quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô Hà Nội.

Vấn đề xây dựng Luật Thủ đô là một trong những nội dung đã được đưa vào Nghị quyết số 31/2009/QH12 ngày 17/6/2009 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 và bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XII để trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2010).

Theo Dự thảo (lần 3), Luật Thủ đô bao gồm 7 Chương, với 59 điều./.

Hồng Hạnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục