Dạy tích hợp, chương trình mới tăng hay giảm tải?

Dạy học tích hợp và phân hóa là một trong những giải pháp được Bộ Giáo dục và Đào tạo khá kỳ vọng để thiết kế nội dung giáo dục phổ thông nhằm giảm số môn học bắt buộc, tăng số môn học tự chọn và rèn luyện kỹ năng cho học sinh theo Đề án Đổi mới căn bản toàn diện.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, thực hiện dạy tích hợp và phân hóa sẽ giảm tải. Bên cạnh đó, khi dạy tích hợp, giáo viên và học sinh phải vận dụng kiến thức tổng hợp, vì thế yêu cầu cao hơn, làm tăng khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp. Hướng đến việc học sinh làm được gì sau khi học chứ không phải là học được cái gì.
Dạy học tích hợp và phân hóa là một trong những giải pháp được Bộ Giáo dục và Đào tạo khá kỳ vọng để thiết kế nội dung giáo dục phổ thông nhằm giảm số môn học bắt buộc, tăng số môn học tự chọn và rèn luyện kỹ năng cho học sinh theo Đề án Đổi mới căn bản toàn diện. Ngày 9/10/2013, Đề án đã được Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ 8 thảo luận và quyết định ra Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Giảm một nửa số môn học Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất phương án tích hợp và phân hóa trong chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam sau 2015 đối với từng bậc học. Theo đó, việc lồng ghép các môn học cũ sẽ hình thành các môn học mới ở mỗi cấp. Cụ thể, ở tiểu học sẽ tăng cường tích hợp trong nội bộ môn học toán, tiếng Việt, tạo đức, tự nhiên và xã hội (các lớp 1, 2, 3) và lồng ghép các vấn đề như môi trường, biến đổi khí hậu, kỹ năng sống, dân số, sức khỏe sinh sản… vào các môn học và hoạt động giáo dục. Lớp 4 và lớp 5, hình thành hai môn khoa học và công nghệ (chủ yếu dựa trên cơ sở môn học này của chương trình hiện hành) và môn tìm hiểu xã hội (chủ yếu dựa trên cơ sở môn lịch sử và địa lý các lớp 4, 5 của chương trình hiện hành và thêm một số vấn đề xã hội). Ở trung học cơ sở tăng cường tích hợp trong nội bộ môn học toán, ngữ văn, ngoại ngữ, công nghệ, giáo dục công dân,… và lồng ghép các vấn đề như môi trường, biến đổi khí hậu, kỹ năng sống, dân số, sức khỏe sinh sản… vào các môn học và hoạt động giáo dục. Bậc học này cũng xây dựng hai môn học mới là khoa học tự nhiên (trên cơ sở các môn vật lý, hóa học, sinh học hiện hành) và môn khoa học xã hội (trên cơ sở các môn lịch sử, địa lý hiện hành và một số vấn đề xã hội). Ở trung học phổ thông sẽ tiếp tục thực hiện tích hợp một số nội dung chưa thành môn học nhưng cần thiết giáo dục cho học sinh vào các môn học. [Giáo dục Việt Nam trước đề án được kỳ vọng nhất] Việc dạy phân hóa được thực hiện theo nguyên tắc phân hóa dần, đặc biệt phân hóa mạnh ở cuối cấp trung học phổ thông. Theo đó, ngoài những môn bắt buộc, học sinh được chọn thêm các chủ đề, hoạt động giáo dục khác phù hợp với năng lực, sở thích, nhu cầu. Theo đó, chương trình sau năm 2015 chủ trương giảm mạnh đầu các môn học để mỗi học kỳ học sinh không học cùng lúc quá 8 môn. Cụ thể, bậc tiểu học giảm từ 11 môn và 3 hoạt động xuống còn từ 3 đến 6 môn và 4 hoạt động. Bậc trung học cơ sở giảm từ 13 môn với 4 hoạt động xuống còn 8 môn và 4 hoạt động. Bậc trung học phổ thông giảm từ 13 môn với 5 hoạt động xuống còn 3 môn bắt buộc và 3 môn tự chọn.
Dạy tích hợp, chương trình mới tăng hay giảm tải? ảnh 1
Khối lượng kiến thức nặng nề, phương pháp giảng dạy truyền thụ một chiều khiến học sinh mệt mỏi
(Ảnh minh hoạ: Phạm Mai/Vietnam+)
Tăng tải hay giảm tải? Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, thực hiện dạy tích hợp và phân hóa sẽ giảm tải. “Tích hợp sẽ giảm số môn, dạy phân hóa thì học sinh ít phải học các môn bắt buộc hơn, mà học tự chọn nhiều, khắc phục được tính dạy dàn trải, phát huy được năng lực riêng của học sinh,” Thứ trưởng Hiển nói. Cũng theo ông Hiển, khi dạy tích hợp, giáo viên và học sinh phải vận dụng kiến thức tổng hợp, vì thế yêu cầu cao hơn, làm tăng khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp. Hướng đến việc học sinh làm được gì sau khi học chứ không phải là học được cái gì. Cùng hướng tiếp cận này nhưng giáo sư Đinh Quang Báo, Viện nghiên cứu sư phạm, Đại học Sư phạm Hà Nội, thành viên ban soạn thảo chương trình, sách giáo khoa mới sau năm 2015 lại cho rằng: “Tích hợp là kết hợp kiến thức liên môn để từ đó học sinh có được nhiều thông tin hơn. Vì thế, về thực chất, là tăng tải chứ không phải giảm tải.” “Tuy nhiên, với nội dung và phương pháp dạy mới, điều này không làm nặng nề cho người học mà làm cho người học hứng thú, giống một người thích công việc thì không biết mệt khi làm việc. Khi đó sẽ không đặt vấn đề quá tải hay không quá tải nữa,” giáo sư Báo phân tích. Chung quan điểm này, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Minh Hạc cũng cho rằng việc gộp lại để giảm số môn không đồng nghĩa với giảm tải. “Vấn đề ở chỗ sử dụng dung lượng kiến thức thế nào để đạt mục tiêu giáo dục là hình thành được kỹ năng cho người học,” ông Hạc nói. Bên cạnh đó, giáo sư Hạc cũng cho rằng việc thực hiện phương pháp này sẽ gặp không ít khó khăn vì trên thực tế Việt Nam đã áp dụng tích hợp một số môn học nhưng giáo viên rất lúng túng. Giáo viên đã quá quen với phương pháp giảng dạy truyền thụ thuần túy kiến thức một môn độc lập trong hàng chục năm, từ khi họ đi học đến khi họ làm thầy nên để thay đổi không đơn giản. Vì thế, theo giáo sư Phạm Minh Hạc, triển khai phương pháp này một cách toàn diện như Đề án đưa ra thì khâu tập huấn giáo viên rất quan trọng. Làm sao để tư tưởng giáo dục mới đến với cả triệu giáo viên trên cả nước là không đơn giản. Bên cạnh đó, sách giáo khoa cũng phải cụ thể hóa tối đa các nội dung để người thầy có thể  dựa vào đó như một cẩm nang để vận dụng trong giảng dạy./.
Dạy học tích hợp là định hướng về nội dung và phương pháp dạy học; trong đó giáo viên tổ chức, hướng dẫn để học sinh biết huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm giải quyết các nhiệm vụ học tập, thông qua đó hình thành những kiến thức, kỹ năng mới, phát triển được những năng lực cần thiết, nhất là năng lực giải quyết vấn đề trong học tập và trong thực tiễn cuộc sống.

Dạy học phân hóa là phương pháp dạy học mà giáo viên tổ chức dạy học tùy theo đối tượng, nhằm bảo đảm yêu cầu giáo dục phù hợp với đặc điểm tâm-sinh lý, nhịp độ, khả năng, nhu cầu và hứng thú khác nhau của những người học; trên cơ sở đó phát triển tối đa tiềm năng vốn có của mỗi học sinh.
Bài 3: Những khác biệt của sách giáo khoa sau năm 2015?

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục