Dạy trẻ bơi để giảm số trường hợp bị đuối nước

Theo các chuyên gia nghiên cứu về chấn thương, dạy bơi cho trẻ là cách tiếp cận hiệu quả để giảm số trường hợp bị đuối nước.
Theo các chuyên gia nghiên cứu về chấn thương, dạy bơi và tăng cường kỹ năng cho trẻ là cách tiếp cận hiệu quả để giảm số trường hợp bị đuối nước. Ngoài ra, việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành Luật An toàn đường thủy, loại bỏ các nguy cơ dễ gây tai nạn cho trẻ là rất cần thiết.

Tăng cường dạy bơi cho trẻ


Ông Nguyễn Trọng An - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng việc dạy bơi cho trẻ là rất quan trọng. Trong các nguyên nhân khiến trẻ bị chết đuối thì có nguyên nhân trẻ không biết bơi.

Nhưng để triển khai tốt được việc dạy và học bơi đòi hỏi phải có nguồn lực lớn. Hiện nay, số lượng trẻ em không biết bơi rất đông, ngay đồng bằng sông Cửu Long cũng chỉ có 35% trẻ vị thành niên biết bơi. Tại Hà Nam, chưa đến 10% số trẻ em lứa tuổi tiểu học biết bơi, trong khi các em thường chơi, đùa ở sông, ao, hồ...

Ông An cho biết bộ đã kết hợp với Vụ Công tác học sinh sinh viên, Vụ Giáo dục tiểu học, Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) để cùng xây dựng lộ trình đưa môn bơi lội vào trường học.

Tuy nhiên, hoạt động này cũng đang gặp nhiều khó khăn do toàn bộ hệ thống giáo dục thiếu giáo viên dạy bơi, thiếu ngân sách xây dựng các hồ bơi. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lên kế hoạch triển khai thí điểm việc dạy bơi (riêng năm 2010 thí điểm từ 9-10 trường tại một số tỉnh). Trên cơ sở đó, bộ sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm để có thể dần dần đưa môn bơi lội vào trường học.

Ông Phạm Việt Cường - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chấn thương, Trường Đại học Y tế công cộng cho biết: "Từ năm 2005 đến nay, trường kết hợp với một tổ chức quốc tế triển khai dự án phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ tại Đà Nẵng, trong đó có cấu phần dạy bơi. Do thiếu bể bơi an toàn (cả thành phố chỉ có khoảng 3-4 bể bơi) và do nguồn kinh phí có hạn, nên các cán bộ phải nghĩ ra cách tạo nên những bể bơi bằng bạt với diện tích khoảng 50-60 m2.

"Bằng cách này, trong năm 2008 chương trình đã dạy bơi cho 5.000 trẻ. Năm nay, cũng sẽ có một số lượng trẻ tương đương như thế được tham gia. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thể triển khai mô hình này sang các tỉnh khác, bởi chưa tìm được nguồn lực hỗ trợ," ông Cường chia sẻ.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tăng cường các biện pháp can thiệp cộng đồng nhằm giảm gánh nặng do đuối nước ở trẻ như tuyên truyền, đào tạo và hỗ trợ người dạy bơi, đào tạo sơ cấp cứu ban đầu cho giáo viên và cộng tác viên, dạy bơi cho hơn 3.000 trẻ.

Từ năm 2002 đến nay, Ủy ban Thể dục Thể thao cũng "chạy" chương trình dạy bơi ở một số tỉnh cho khoảng 140.000 em.

Nâng cao ý thức về an toàn đường thủy


Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định: "Mặc dù đã có quy định bắt buộc mặc áo phao khi đi tàu thuyền tại Việt Nam nhưng việc thực thi vẫn còn kém."

Theo điều tra của Bộ Y tế, việc không sử dụng mũ bảo hiểm, áo phao, va chạm hoặc lật thuyền, phà thường chiếm tới 48% nguyên nhân dẫn đến đuối nước.

Ngoài ra, yếu tố thuyền quá cũ và chở quá tải cũng là lý do quan trọng.

Luật An toàn đường thủy có hiệu lực từ ngày 1/1/2005, nhưng trên thực tế việc thi hành luật vẫn còn nhiều tồn tại như lái tàu/thuyền không có bằng hoặc giấy phép; thuyền/phà chất lượng thấp; thiếu các thiết bị an toàn đặc biệt là phao cứu hộ, chở nhiều khách hơn quy định, thiếu nhân viên cứu hộ, không có lực lượng cứu hộ tuần tra... Đây là những yếu tố góp phần cho tỷ lệ đuối nước do đắm tàu thuyền tăng cao, cướp đi sinh mạng của nhiều người lớn và trẻ em.

Ông Vũ Văn Họa - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu cũng cho hay: "Từ năm 2006 đến nay, tại Bạc Liêu có 80 em bị tai nạn thương tích do ngã xuống ao hồ, 40 em bị tử vong. Nguyên nhân là bởi khá nhiều gia đình đi làm ăn xa, để các cháu cho ông, bà chăm sóc trong môi trường sông, hồ, ao chằng chịt chưa được cảnh báo, dễ gây ra tai nạn khi các cháu đi tắm ở sông, ao, dìa. Ngoài ra, tại một số xã ở Bạc Liêu, trẻ em đi đến trường thường phải qua mấy lần đò nên dù đã trang bị áo phao cho các cháu nhưng các vụ tai nạn đuối nước vẫn diễn ra do các cháu quên không mang theo hoặc ngại sử dụng."

Vì vậy, nhiều chuyên gia đồng tình quan điểm cho rằng việc trang bị áo phao tại các tàu, thuyền, đò là cần thiết. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền về an toàn đường thủy, chú trọng kiểm tra và kiên quyết xử phạt nếu các chủ thuyền không chấp hành quy định bắt buộc hành khách mặc áo phao, chở quá số người quy định...

Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường khả năng tiếp cận sớm các dịch vụ điều trị và phục hồi chức năng. Người dân cần được trang bị những kiến thức sơ, cấp cứu cơ bản như hô hấp nhân tạo, chống sặc nước./.

Phương Liên-Ngọc Diệp (Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục