ĐB Bùi Hoài Sơn: Chậm chuyển đổi, văn hóa sẽ lỡ chuyến tàu phát triển

Đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng ngành văn hóa không thể đứng ngoài công cuộc chuyển đổi số nếu không muốn bị lỡ chuyến tàu rất quan trọng trong sự phát triển mới của văn minh nhân loại.
Một chương trình nghệ thuật tại Nhà hát lớn đầu năm 2021. (Ảnh: TTXVN)
Một chương trình nghệ thuật tại Nhà hát lớn đầu năm 2021. (Ảnh: TTXVN)

Bên lề Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, phóng viên Báo VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, đại biểu đoàn Hà Nội, một trong 296 đại biểu trúng cử lần đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV.

Ông chia sẻ về tâm tư, trách nhiệm khi trở thành đại biểu Quốc hội cũng như kế hoạch thực hiện chương trình hành động của mình như đã trình bày trong quá trình vận động tranh cử.

Từ nhà văn hóa đến Hội trường Diên Hồng

- Thưa ông, là một đại biểu được cử tri tín nhiệm để trở thành đại biểu Quốc hội, xin ông chia sẻ cảm xúc của mình ở cương vị mới?

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn: Với tôi, đây là một cảm xúc rất khó tả, đặc biệt là khi sắp phải chia tay công việc tại Viện Văn hóa, Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, cơ quan mà tôi gắn bó từ khi ra trường và luôn xác định đây là nhà của mình, nơi có những đồng nghiệp luôn yêu mến và giúp đỡ tôi, cho tôi một môi trường làm việc tuyệt vời, để nhận nhiệm vụ mới là Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. 

Khi ngồi trong Hội trường Diên Hồng, tôi nghĩ rất nhiều về hành trình của một cậu bé từ quê nhà (Lâm Thao, Phú Thọ) đến hội trường lớn này, để đại diện cho nguyện vọng và cử tri cả nước, quyết định những công việc quan trọng của đất nước. Chắc chắn đây là vinh dự to lớn nhưng cũng đầy trách nhiệm.

Tự hào với cương vị mới, tôi thầm nghĩ liệu mình phải làm gì để thực hiện kế hoạch hành động mà mình đã ấp ủ, trăn trở dựa vào 25 năm kinh nghiệm làm việc cho ngành văn hoá, để xứng đáng là người đại diện cho ngành, cho những người làm nghề và yêu văn hoá nghệ thuật. Đây là lần đầu tiên tôi làm việc ở một môi trường mới nên chắn hẳn sẽ có nhiều bỡ ngỡ.

Tôi sẽ phải học hỏi nhiều hơn từ kinh nghiệm của các đại biểu đi trước và sự giúp đỡ của các đồng nghiệp để hoàn thành tốt công việc của mình. Song bằng sự quyết tâm và tinh thần được truyền cảm hứng từ bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong ngày khai mạc Kỳ họp thứ nhất, tôi hoàn toàn tin tưởng mình sẽ hoàn thành rất tốt nhiệm vụ quan trọng này của đời mình.

ĐB Bùi Hoài Sơn: Chậm chuyển đổi, văn hóa sẽ lỡ chuyến tàu phát triển ảnh 1Ông Bùi Hoài Sơn tiếp đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và tặng quà lưu niệm cho Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam năm 2019. (Ảnh: TTXVN)

- Xin ông chia sẻ kỳ vọng của mình đối với những chủ trương, chính sách sẽ được đưa ra trong Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá XV?

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn: Kỳ họp thứ nhất bao giờ cũng là kỳ họp rất quan trọng khi sẽ bầu các vị trí lãnh đạo chủ chốt cũng như quyết định những chương trình dài hạn cho sự phát triển đất nước, chính vì vậy, tôi kỳ vọng rất nhiều vào sự sáng suốt của các vị đại biểu trong việc lựa chọn các vị lãnh đạo có đức, có tài, có tâm, có tầm để lãnh đạo đất nước, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Tôi cũng hy vọng các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước sẽ mang tính khả thi, phù hợp, tạo điều kiện giúp đất nước vượt qua thử thách, vững bước tiến vào tương lai, để chúng ta đạt được những mục tiêu như đã đặt ra trong Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XIII. Các đại biểu Quốc hội, trong đó có tôi, sẽ hoàn thành lời hứa trước cử tri, để Quốc hội ta trở thành Quốc hội hành động, với định hướng của dân, do dân và vì dân.

Xây dựng nền văn hoá số lành mạnh

- Ông có kế hoạch như thế nào để hiện thực hoá những mục tiêu trong chương trình hành động của mình?

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn: Tôi xây dựng chương trình hành động của mình dựa trên những hiểu biết và kinh nghiệm của tôi về lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, những vấn đề mà tôi nghĩ rằng nếu thực hiện được thì thực sự sẽ tạo ra sự chuyển biến mang tính đột phá cho sự phát triển văn hoá của đất nước.

Đó là việc tổ chức diễn đàn văn hoá quốc gia để huy động trí tuệ, hiến kế của văn nghệ sỹ, những người làm việc trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật để văn hoá thực sự soi đường quốc dân đi như lời căn dặn của Bác Hồ trong Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ nhất năm 1946; xây dựng bộ chỉ số văn hoá quốc gia vì sự phát triển bền vững để chúng ta xác định được đóng góp của ngành văn hoá đối với sự phát triển chung của quốc gia, cũng như thúc đẩy các địa phương quan tâm nhiều hơn đến văn hoá; sửa đổi một số luật liên quan đến văn hoá, nghệ thuật như luật di sản văn hoá, luật điện ảnh, luật quảng cáo… để những bất cập, tính đa dạng, phức tạp của thực tế được luật pháp bao quát.

ĐB Bùi Hoài Sơn: Chậm chuyển đổi, văn hóa sẽ lỡ chuyến tàu phát triển ảnh 2Đại biểu Bùi Hoài Sơn. (Ảnh: NVCC)

Để hiện thực hoá được kế hoạch hành động này, tôi sẽ phải tập trung nhiều hơn trong việc phối hợp cùng với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng như các bộ, ngành, địa phương có liên quan, thực hiện tốt quyền giám sát của mình để những kế hoạch này được thực hiện. Điều đó không chỉ giúp thực hiện cam kết của tôi mà còn thực sự có ích cho sự phát triển chung của văn hoá, nghệ thuật của đất nước.

- Trong bối cảnh đại dịch phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến ngành văn hoá ở các lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, sự kiện văn hóa, lễ hội…, ông có những suy nghĩ và trăn trở như thế nào?

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn: Đại dịch COVID-19 gây ra khó khăn rất lớn đối với nhiều ngành nghề của đất nước; trong đó văn hoá là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi các hoạt động văn hoá, nghệ thuật luôn phải dừng đầu tiên và mở lại cuối cùng mỗi khi dịch bùng phát vì đây là những sự kiện đông người, có khả năng lây nhiễm lớn.

Song, chính văn hoá nghệ thuật đã và đang là lĩnh vực truyền cảm hứng, tạo tinh thần tích cực cho nhân dân cả nước để đối phó với dịch bệnh. Biết bao bài hát, bài thơ, câu chuyện, bức tranh, hình ảnh đã được sáng tác trong mùa dịch. Hình ảnh các văn nghệ sỹ chung tay, làm gương quyên góp, chống dịch đã thực sự làm chúng ta ấm lòng, vững vàng hơn để vượt qua dịch bệnh.

[Bài trừ mê tín dị đoan để hướng tới một đời sống tâm linh văn minh]

Tôi mong rằng các cấp, các ngành quan tâm nhiều hơn đến văn hoá, nghệ thuật, đời sống của văn nghệ sỹ để chúng ta phát huy nhiều hơn nữa sức mạnh của văn hoá, nghệ thuật cho sự phát triển đất nước. Dịch bệnh đã khiến các hoạt động văn hoá, nghệ thuật đình trệ và cần có sự hỗ trợ ngay khi cuộc sống xã hội trở lại bình thường. Những gói hỗ trợ cho các văn nghệ sỹ gặp khó khăn, việc đặt hàng tác phẩm nghệ thuật phải được xem là những ưu tiên trong giai đoạn tới.

- Trước bối cảnh chuyển đổi số mà chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang thực hiện, ông có ý kiến đóng góp như thế nào?

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn: Bối cảnh chuyển đổi số đang đặt ra nhiều thuận lợi và thách thức cho sự phát triển khiến cho ngành văn hoá, thể thao và du lịch không thể đứng ngoài cuộc nếu không muốn bị lỡ chuyến tàu rất quan trọng trong sự phát triển mới của văn minh nhân loại.

Trong bối cảnh đó, tôi muốn đóng góp bằng việc xác định một tầm nhìn về văn hoá số mà ở đó, những giá trị, lối sống, thói quen, ứng xử của con người được định hình bởi công nghệ số, kinh tế số, xã hội số và các công dân số.

Khi chúng ta xây dựng được nền văn hoá số phù hợp với sự phát triển đất nước, chúng ta sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của công nghệ số, môi trường lành mạnh cho sự phát triển nhân cách của công dân số. Những lối sống, ứng xử lệch chuẩn gần đây trên mạng xã hội càng khiến chúng ta có thêm quyết tâm xây dựng văn hoá số lành mạnh, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững đất nước.

Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam sẽ quyết tâm đi đầu để nghiên cứu và triển khai các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số. Chúng tôi đang dự định nghiên cứu về công nghệ blockchain trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật. Viện đã, đang và sẽ tiếp tục xây dựng kho dữ liệu di sản văn hoá theo tiêu chuẩn quốc tế, có sự liên kết với các trung tâm dữ liệu khác ở khu vực và trên thế giới đồng thời Viện sẽ số hoá tối đa các dữ liệu văn hoá của đất nước để tạo ra nguồn tài nguyên số, giúp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, biến di sản trở thành tài sản cho sự phát triển chung của đất nước.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục