"ĐBS Cửu Long sẽ là vùng năng động, hiện đại"

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, là vùng năng động, hiện đại, vùng kinh tế trọng điểm phát triển sẽ thúc đẩy đồng bằng sông Cửu Long phát triển.
Ngày 21/7, tại Cần Thơ, Phát biểu tại hội nghị giao ban, Ban chỉ đạo điều phối phát triển vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Là vùng năng động, hiện đại, vùng kinh tế trọng điểm phát triển sẽ là đầu tàu thúc đẩy cả vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển.

Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương liên quan cần chú ý xây dựng hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối trong vùng và cả nước; chú ý bổ sung chi tiết qui hoạch đường bộ cao tốc qua vùng; qui hoạch tuyến đường bộ ven biển, đường sắt và đường thủy trong vùng.

Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long có 6,4 triệu dân thuộc 4 tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, thành phố Cần Thơ, rộng 16.616 km² với vị trí địa lý, kinh tế quan trọng, có tiềm năng to lớn, đặc biệt là lương thực, thủy sản. Thời gian qua, cơ cấu kinh tế của vùng chuyển dịch đúng hướng, hiệu quả; sản xuất nông lâm nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ tăng trưởng ổn định, cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện.

Năm 2006 – 2008, tốc độ tăng trưởng của vùng đạt 13,57%/ năm. Đến năm 2020, vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long sẽ là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông thủy sản của cả nước, đóng vai trò quan trọng trong chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp giống, các dịch vụ kỹ thuật, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp cho cả vùng.

Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là trung tâm dịch vụ giáo dục – đào tạo, y tế, khoa học – công nghệ, thương mại và du lịch, vùng kinh tế trọng điểm còn là trung tâm năng lượng lớn với 3 trung tâm điện lực lớn là Ô Môn (Cần Thơ), Cà Mau và Kiên Lương (Kiên Giang), là cầu nối giúp khu vực đồng bằng sông Cửu Long hội nhập với thế giới.

Hội nghị đề ra mục tiêu: đến năm 2010 khu vực nông lâm thủy sản chiếm 29,4% và giảm xuống 15% năm 2020 ; khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 28,7% năm 2010 và tăng lên 40% năm 2020 ; khu vực dịch vụ chiếm 41,9% năm 2010 và tăng lên 45% năm 2020. Đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ trong tiến trình hiện đại hoá, phấn đấu đạt bình quân 20%/năm; nâng cao dần tỷ lệ lao động qua đào tạo, đạt khoảng 65% vào năm 2020; phấn đấu nâng tỷ lệ đô thị hoá của vùng kinh tế trọng điểm 46% năm 2020.

Bên cạnh đó, đưa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2009-2010 đạt gấp 1,2 lần và thời kỳ 2011 – 2020 gấp khoảng 1,25 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước; tăng tỷ lệ đóng góp trong GDP của cả nước từ 10,5% hiện nay lên khoảng 11,6% năm 2010, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 1.200 USD./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục