ĐBSCL đối mặt tình trạng nước mặn xâm nhập sâu

Tại các tỉnh ven biển ĐBSCL, nước mặn đã xâm nhập sâu 70km gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của người dân.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, từ tháng Tư đến giữa tháng Năm, nước có độ mặn cao nhất trong năm xâm nhập sâu hơn cùng kỳ năm 2009 tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Cộng với tình trạng lưu lượng nước sông Mekong mùa kiệt năm nay thấp hơn so với năm 2009 nên sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của một bộ phận dân cư vùng Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó khăn nhất trong năm 2010.

Tại các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, hiện nước mặn đã xâm nhập sâu 70km. Riêng nước mặn gây hại cho cây trồng (4‰ trở lên) đã xâm nhập sâu 40-45km, nhiều hơn cùng kỳ năm 2009.

Trên sông Cửa Tiểu, hiện nước mặn 10‰ xâm nhập sâu 30km, nước mặn 4‰ đã xâm nhập sâu hơn 40km tính từ cửa sông, tương đương cùng kỳ năm 2009 nhưng sâu hơn tháng 3/2010 từ 5-10km.

Trên sông Cửa Đại, nước mặn 10‰ xâm nhập sâu 35km và nước mặn 4‰ xâm nhập sâu đến 45km, tương đương cùng kỳ năm 2009.

Trên sông Hàm Luông, nước mặn hơn 10 ‰ xâm nhập sâu 35km. Riêng nước mặn 4‰ đã xâm nhập sâu 45km, sâu hơn cùng kỳ năm 2009 từ 5-10km.

Theo ngành nông nghiệp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nước mặn có độ mặn cao hơn, xâm nhập sâu hơn, cộng với nắng hạn làm cho trên 600.000ha lúa hè thu năm 2010 bị thiếu nước.

Bạc Liêu, Long An, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp bị ảnh hưởng nhiều nhất với 300.000ha. Theo dự báo, chỉ cần mặn lấn sâu thêm 10km nữa là không thể cứu lúa. Kéo theo đó là những khó khăn trong việc phòng chống sâu bệnh, chăm sóc lúa.

Do khô hạn, thuốc diệt cỏ giảm tác dụng, phải phun nhiều lần làm tăng chi phí, dễ gây ngộ độc cho lúa. Ốc bươu vàng, bọ trĩ, sâu cuốn lá sẽ gia tăng trên lúa.../.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục