ĐBSCL thu hoạch 200.000ha lúa Thu Đông tránh lũ

Hiện nay các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được gần 200.000ha lúa thu đông tránh lũ, chiếm 29% tổng diện tích cả vụ.
Thông tin từ ngành nông nghiệp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho biết đến nay các tỉnh trong vùng đã thu hoạch được gần 200.000ha lúa Thu Đông tránh lũ, chiếm 29% diện tích cả vụ, nhiều nhất tại An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Kiên Giang.

[Sản lượng lúa các tỉnh phía Nam tăng 820.000 tấn]

Năng suất đạt từ 5,2-5,5 tấn/ha, cao hơn cùng kỳ năm 2011 từ 2-3 tạ/ha.

Lúa vừa thu hoạch nếu được sấy tốt thì bán được giá. Hiện giá lúa khô trong kho tại các tỉnh trong vùng (loại thường) từ 5.900-6.000 đồng/kg, lúa dài từ 6.100-6.200 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm từ 7.800-7.900 đồng/kg tùy từng địa phương. Gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 7.650-7.750 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.

Giá gạo thành phẩm 5% tấm giá 9.000-9.100 đồng/kg, gạo 15% tấm 8.700-8.800 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 8.350-8.450 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương. Giá thành sản xuất mỗi kg lúa vụ thu đông từ 4.200-4.500 đồng/kg, người trồng có lãi từ 30% trở lên, tùy chất lượng lúa gạo.

Năm nay do nhuận hai tháng Tư âm lịch nên thời vụ xuống giống lúa thu đông được lùi lại 1 tháng nhằm tránh hạn đầu vụ. Các trà lúa vừa thu hoạch chủ yếu gieo sạ trong tháng Năm âm lịch. Các tỉnh tuân thủ khuyến cáo của Cục Trồng trọt, xuống giống đồng loạt, tập trung, né rầy, theo dõi chặt dự báo rầy nâu di trú và các loại sâu bệnh có thể xuất hiện gây hại và không gieo sạ tự phát, phân tán.

Các tỉnh chọn giống lúa có phẩm cấp tốt do Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long lai tạo, phù hợp để sản xuất trong vụ thu đông như OM 2517, OM 4218, OM 5451, OM 4900, OM 6162, OM 7347, OM 6976, OM 6561-85, OM 5464, OM 6932 đồng thời vận động nông dân thực hiện tốt thời gian cách ly sau khi thu hoạch lúa Hè Thu ít nhất 3 tuần; cày vùi rơm rạ tạo thông thoáng, tăng độ phì nhiêu, hạn chế ngộ độc hữu cơ cho đất.

Ngoài phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, nông dân còn phòng trừ dịch hại từ ốc bươu vàng, sâu cuốn lá, chuột, bệnh cháy lá, đốm vằn và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp, thân thiện với môi trường đồng thời hạn chế việc bón thừa phân đạm để không làm phát sinh và phát triển dịch hại, cây lúa dễ bị mềm yếu, đổ ngã trong điều kiện mưa, bão. Các biện pháp trên đã góp phần đưa năng suất lúa thu đông vừa thu hoạch tăng cao./.

Thế Đạt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục