ĐBSCL: Tôm được cả mùa lẫn giá mà vẫn âu lo

Theo đánh giá của ngành chức năng, vụ nuôi tôm đầu tiên của năm 2009 ở đồng bằng sông Cửu Long thắng lợi với năng suất và giá bán sản phẩm đều cao.

Tuy nhiên, người nuôi vẫn còn canh cánh nỗi băn khoăn, âu lo khi sản lượng tôm tăng lên, giá sẽ xuống trở lại vì "đầu ra" cho con tôm vẫn chưa ổn định.
Theo đánh giá của ngành chức năng, vụ nuôi tôm đầu tiên của năm 2009 ở đồng bằng sông Cửu Long thắng lợi với năng suất và giá bán sản phẩm đều cao.

Tuy nhiên, người nuôi vẫn còn canh cánh nỗi băn khoăn, âu lo khi sản lượng tôm tăng lên, giá sẽ xuống trở lại vì "đầu ra" cho con tôm vẫn chưa ổn định.

Được mùa tôm

Gần 1 tháng nay, tại các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long đang mùa thu hoạch rộ vụ tôm chính năm 2009.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, trong vụ I-2009, nông dân đã thả nuôi trên 3.800ha, đến nay đã cơ bản thu hoạch với sản lượng trên 7.000 tấn tôm thương phẩm.

Bình quân mức lời đạt 15.000-20.000 đồng/kg tôm sú, 10.000 đồng/kg đối với tôm thẻ chân trắng.

Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, trong 9 tháng đầu năm các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Châu Thành và Trà Cú thu hoạch hơn 90% số lượng giống thả nuôi, sản lượng thu hoạch đạt hơn 12.400 tấn tôm thương phẩm.

Từ khoảng hơn tháng nay, các huyện ven biển của tỉnh Trà Vinh vào vụ thu hoạch tập trung, giá tôm sú nguyên liệu tăng trở lại nông dân phấn khởi sẽ có điều kiện để thu hồi vốn hoặc trả nợ ngân hàng.

Hiện nay, giá tôm sú nguyên liệu tại Trà Vinh tăng 8.000-15.000 đồng/kg so với giữa tháng 9/2009. Tôm sú loại 15 con/kg giá 148.000-150.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 85.000 đồng/kg, loại 60-100 con/kg giá 55.000-65.000 đồng/kg. Riêng tôm thẻ chân trắng loại 80 con/kg giá 50.000-55.000 đồng/kg, loại 100 con/kg giá 45.000-48.000 đồng/kg...

Đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã thu hoạch hơn 30.000ha tôm sú, năng suất nuôi theo hình thức công nghiệp-bán công nghiệp đạt từ 3-3,5 tấn/ha, quảng canh cải tiến đạt trên 500kg/ha.

Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, vụ tôm năm 2009, Sóc Trăng trúng mùa tôm toàn diện, với trên 90% người nuôi tôm có lời, do diện tích tôm bị thiệt hại ít, chỉ gần 3.000ha, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Trong khi đó, giá tôm ổn định từ đầu vụ đến nay. Hiện, tôm loại 30 con/kg giá 100.000-105.000 đồng/kg, 40 con/kg giá 85.000-87.000 đồng/kg, 50 con/kg giá 75.000-78.000 đồng kg. Với giá này, nông dân lời khoảng 30.000 đồng/kg.

Ông Lý Tài ở xã Gia Hòa 1, áp dụng mô hình lúa tôm nhiều năm qua, cho biết: “ Vụ rồi tôi trồng lúa thơm ST cho lợi nhuận hơn 15 triệu đồng/ha. Sau đó, tôi thả tôm và mới thu hoạch đạt hơn 300kg, bán được hơn 40 triệu đồng, trong khi chi phí đầu tư con giống, cải tạo ao chưa tới 10 triệu đồng”.

Vẫn canh cánh nỗi băn khoăn

Theo nhiều hộ dân nuôi nuôi tôm, giá tôm hiện nay tăng chỉ là nhất thời do những năm qua, giá tôm thấp, dịch bệnh hoành hành, nhiều hộ “treo” ao, chuyển đổi nghề do thiếu vốn dẫn đến lượng cung giảm. Khi sản lượng tôm tăng lên, giá sẽ xuống trở lại. Vì thế, đầu ra cho con tôm vẫn chưa ổn định. Mặt khác, dù vụ tôm đầu năm thành công nhưng chưa thể giúp nông dân bù được thua lỗ của năm 2008.

Trước nỗi lo nợ vay vẫn còn đó, rủi ro về dịch bệnh, giá cả vẫn đeo bám nông dân, nhiều hộ nông dân nuôi tôm ở Tiền Giang tiền lời vụ tôm rồi không đủ trả nợ vay “nóng” bên ngoài và tiền nợ thức ăn cho đại lý.

Tại Sóc Trăng, hiện nhiều hộ nuôi tôm ở huyện Vĩnh Châu, Mỹ Xuyên, Long Phú đã thả lấp vụ được trên 3.500ha tôm sú. Tuy nhiên, đã có gần 1.000ha tôm thả lại vụ này đã bị chết do mưa nhiều, độ mặn thấp...

Ông Hứa Sỹ Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Vĩnh Châu, cho biết: “Ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo người nuôi tôm không thả nuôi trái vụ vì rủi ro cao, mà nên chuyển sang nuôi các loại thủy sản khác như cá kèo, cua. Nhưng lợi nhuận từ con tôm sú năm nay hấp dẫn nên nhiều hộ vẫn thả nuôi trái vụ.

Kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy, 1 năm chỉ nuôi 1 vụ tôm mới bền vững. Nếu nuôi 2 vụ liên tiếp, hàm lượng cácbon, nitơ và các chất hữu cơ không hòa tan trong đất tăng cao, tôm dễ bị bệnh.”

Để hạn chế tình trạng nuôi tôm trái vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Sóc Trăng yêu cầu không thả tôm vụ 2 từ cuối tháng 8-2009. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp yêu cầu các cơ sở cung cấp giống trong tỉnh ngưng sản xuất giống, kiểm soát nguồn tôm giống nhập tỉnh, khuyến khích phát triển mô hình lúa-tôm để sản xuất bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục