Đê biển Đông Bạc Liêu đang bị người dân "xẻ thịt"

Tuyến đê biển Đông thuộc địa phận huyện Đông Hải (Bạc Liêu) đang bị nhiều hộ dân “xẻ thịt” đem bán, gây nguy cơ vỡ đê nghiêm trọng.
Tuyến đê biển Đông thuộc địa phận huyện Đông Hải (Bạc Liêu) - con đê huyết mạch nối liền giao thông từ cửa biển Nhà Mát, thị xã Bạc Liêu đến cửa biển thị trấn Gành Hào - đang bị nhiều hộ dân “xẻ thịt” đem bán.

Những hộ này thay nhau lén lút đào đất, cát, đá từ thân đê để bán cho những người làm nhà. Nạn phá đê này không chỉ xâm hại nghiêm trọng tuyến đê biển Đông, mà nguy cơ vỡ đê đang mùa nước biển dâng cao hiện nay là rất lớn.

Nghiêm trong hơn, doanh nghiệp tư nhân Dương Hùng, xã Long Điền Tây đã ngang nhiên đào một luồng kênh từ rừng phòng hộ ven biển xuyên qua thân đê để đặt ống lấy nước phục vụ sản xuất. Một số hộ nghèo ở đây còn lấy cả đất ở khu vực chuẩn bị làm kè chống sạt lở đem bán, làm cho tình trạng xói lở thêm trầm trọng.

Hơn nữa, hiện nay có hàng chục hộ dân nghèo, từ nhiều nơi về đây “biến" đê thành rẫy trồng hoa màu. Hiện tại, con đê này đã bị biến thành thành rẫy với chiều dài hơn 7km, đoạn từ xã Long Điền Tây đến thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải.

Việc làm này không chỉ vi Luật bảo vệ hành lang đê điều, mà còn gây hư hại cho rừng phòng hộ bảo vệ đê.

Con đê này có vai trò rất lớn trong ngăn sóng biển, nước biển, bão, bảo vệ cho hàng ngàn hộ và hơn 100.000ha đất sản xuất nuôi trồng thủy sản. Dọc theo tuyến đê và phía sau đê có hàng chục ngàn hộ dân sinh sống.

Theo cảnh báo, nếu con đê này không được quản lý, bảo vệ tốt, thì khi biến đổi khí hậu, mực nước biển tăng cao sẽ xảy ra hậu quả khó lường.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Hạt Quản lý đê điều tỉnh Bạc Liêu, toàn tuyến đê biển Đông dài hơn 56km từ địa phận giáp tỉnh Sóc Trăng đến thị trấn Gành Hào có hơn 720 hộ sống trái phép trong khu vực đê phòng hộ. Đây thật sự là áp lực trong công tác quản lý khi phần lớn đều là dân di cư tự do.

Tình trạng xâm hại đê biển Đông ngày một nghiêm trọng, trong khi đó ngành quản lý dường như bất lực, cộng thêm việc đùn đẩy trách nhiệm của địa phương, khiến cho nạn xâm hại đê phòng hộ ven biển rơi vào cảnh “cha chung không ai khóc”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục