Đề cử 10 công dân Thủ đô ưu tú của năm 2010

Giáo sư Vũ Khiêu được lựa chọn là một trong 10 người hội tụ đầy đủ tiêu chuẩn để công nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú 2010.
Căn cứ tiêu chuẩn của quy chế, Hội đồng Thi đua Khen thưởng thành phố Hà Nội đã lựa chọn được 10 trường hợp hội tụ đầy đủ tiêu chuẩn trình Ủy ban Nhân dân thành phố xét, công nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2010.

Thông tin trên được ông Phùng Minh Sơn, Phó Ban Thi đua khen thưởng thành phố Hà Nội cho biết tại cuộc giao ban Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, chiều 23/8.

1. Về lĩnh vực Khoa học xã hội, Hội đồng Thi đua giới thiệu giáo sư Vũ Khiêu (sinh năm 1916), một trong những soạn giả tâm huyết và có nhiều đóng góp trong các công trình nghiên cứu đồ sộ về Hà Nội như Tổng tập văn hiến Thăng Long, Bách khoa thư Hà Nội...

Ông còn là Chủ tịch Hội đồng Dự án tủ sách ngàn năm Thăng Long và rất nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về Thủ đô Hà Nội.

Tuy đã 94 tuổi, nhưng hằng ngày giáo sư vẫn dành nhiều thời gian để nghiên cứu về văn hóa-lịch sử Hà Nội. Giáo sư Vũ Khiêu đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2000.

2. Giáo sư sử học, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê (sinh năm 1934) là một trong những chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam. Giáo sư dành nhiều công sức nghiên cứu về lịch sử Hà Nội xưa và nay.

Các hồ sơ “Hoàng thành Thăng Long,” “Lễ hội Phù Đổng,” “Bia Tiến sĩ Văn Miếu-Quốc tử giám” là thành quả lao động và sáng tạo do Giáo sư làm Chủ biên đã được UNESCO đánh giá rất cao. Giáo sư còn chủ trì nhiều Hội thảo lớn về Thăng Long-Hà Nội, tích cực tham gia việc đặt tên đường phố, viết nhiều bài nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, danh nhân Hà Nội, đào tạo, tập huấn nhiều cán bộ sở ngành về các giải pháp bảo tồn di sản văn hóa, khảo cổ học của Thủ đô.

3. Nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc (sinh năm 1926) là người chuyên nghiên cứu về Hà Nội. Ông viết về Hà Nội từ trên 50 năm nay với rất nhiều đầu sách, đa dạng về thể loại, đồ sộ về khối lượng.

Hiện nay tuy đã bước vào tuổi 84 nhưng ông vẫn không ngừng viết (khoảng 15 trang/ngày) về các lĩnh vực lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, địa lý của Hà Nội xưa và nay. Ông được đông đảo bạn đọc Thủ đô và cả nước yêu mến gọi là “Nhà Hà Nội học.”

4. Ông Hoàng Vĩnh Giang (sinh năm 1946) là người có nhiều công lao trong việc đào tạo những thế hệ vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài có đẳng cấp quốc tế của Thủ đô Hà Nội.

Xuất thân từ vận động viên rồi trở thành người đứng đầu ngành thể dục thể thao thành phố, tuy đã nghỉ hưu nhưng hiện nay ông vẫn tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo để tìm ra con đường phát triển của thể dục thể thao quốc gia nói chung và của Thủ đô nói riêng. Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2005.

5. Bà Trần Mai Anh (sinh năm 1973) là một phụ nữ Hà Nội có tấm lòng nhân ái, mặc dù đã có 2 con trai nhưng nghe tin có trường hợp cháu bé ở Quảng Nam bị mẹ đẻ bỏ rơi, bị súc vật cắn đứt 1 chân và bộ phận sinh dục, bà đã bàn bạc với chồng đón cháu về làm con nuôi. Cháu đã được bà với gia đình đưa đi 14 bệnh viện trong và ngoài nước chữa trị, lắp chân giả, giúp cháu hòa nhập với bạn bè.

Năm 2010 bà đã đã được Chủ tịch nước gửi thư khen. Hiện nay bà cùng với gia đình sinh sống ở số nhà 25, ngõ 18 Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

6. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy (sinh năm 1971), họa sĩ Báo Hà Nội mới, là người cách đây bốn năm đã khởi xướng và tổ chức thực hiện dự án “Con đường gốm sứ ven Sông Hồng.”

Ý tưởng độc đáo đó đã thu hút hàng chục họa sĩ trong và ngoài nước tham gia, hàng trăm nghệ nhân và thợ thủ công của nhiều làng nghề gốm góp mặt, trên 500 thiếu nhi Việt Nam và quốc tế hồ hởi thực hiện.

Đến nay công trình đang đi vào hoàn thiện, là món quà hết sức có ý nghĩa với Thủ đô nghìn năm tuổi. Năm 2009 bà được nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái.

7. Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Anh Tuấn (sinh năm 1951), Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, là người đứng đầu ngành y tế thành phố, ông luôn xuất hiện ở mọi lúc mọi nơi, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm để đưa y tế Thủ đô từng bước phát triển; là tấm gương sáng để đồng nghiệp, đồng cấp học tập, noi theo.

Đồng thời ông còn tham gia chủ biên và biên soạn nhiều sách y khoa, nhiều công trình nghiên cứu khoa học, trực tiếp làm chủ nhiệm nhiều đề tài khoa học cấp thành phố, hai đề tài khoa học cấp Bộ...

Năm 2009, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân.

8. Ông Lê Văn Bằng (sinh năm 1933) là thương binh 4/4 thời kháng chiến chống Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ. Sau khi rời quân ngũ, tiếp tục phát huy tinh thần Bộ đội cụ Hồ trên mặt sản xuất và xây dựng chính quyền cơ sở, ông đã 22 năm liên tục làm tổ trưởng dân phố.

Không quản ngại khó khăn, gian khổ, với tinh thần tự nguyện, tự giác rất cao, ông là tấm gương sáng của những việc làm bình dị, thầm lặng mà cao quý trong xã hội, góp phần xây dựng Thủ đô phát triển.

9. Ông Vũ Ngọc Minh (sinh năm 1949) là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Kim khí Thăng Long. Nhiều năm liền, ông làm lãnh đạo Công ty từ khi là một đơn vị nhỏ bé, chuyên sản xuất bếp dầu, đèn bão... thời bao cấp, đến nay Công ty đã thực sự lớn mạnh.

Hiện nay, Công ty là một trong những đơn vị sản xuất cơ khí hàng đầu thành phố về giá trị sản xuất công nghiệp, doanh thu, nộp ngân sách, đời sống người lao động được đảm bảo.

Năm 2006, ông Vũ Ngọc Minh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

10. Ông Nguyễn Đắc Hải (sinh năm 1963), Chủ tịch Hội Nông dân xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên. Ông tích cực tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, tập trung đầu tư xây dựng mô hình trang trại ở vùng đồng chiêm trũng (40ha) mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động.

Ông tích cực tham gia công tác từ nhiện nhân đạo tại địa phương. Năm 2000 ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Theo ông Phùng Minh Sơn, 10 công dân Thủ đô ưu tú 2010 sẽ được vinh danh tại Đại hội Thi đua yêu nước thành phố Hà Nội (giai đoạn 2010-2015) tổ chức vào ngày 28/8/2010 tại Cung văn hóa Hữu Nghị Hà Nội./.

Thanh Bình (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục