Để du lịch Đà Nẵng phát triển tương xứng tiềm năng và lợi thế

Những năm gần đây, du lịch Đà Nẵng phát triển nhanh, diện mạo du lịch của thành phố thay đổi tuy nhiên, du lịch Đà Nẵng vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế hiện có.
Để du lịch Đà Nẵng phát triển tương xứng tiềm năng và lợi thế ảnh 1Bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng. (Ảnh: Trọng ĐỨc/TTXVN)

Những năm gần đây, du lịch Đà Nẵng phát triển nhanh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của thành phố. Diện mạo du lịch của thành phố ngày càng được khẳng định với sự hiện diện của hàng loạt nhà đầu tư, thương hiệu du lịch hàng đầu quốc tế và trong nước.

Tuy nhiên, du lịch Đà Nẵng vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế hiện có.

Theo các nhà nghiên cứu về du lịch, Đà Nẵng có sự thuận lợi trong tiếp cận các điểm đến vì du khách có thể tiếp cận được bằng cả bốn loại hình phương tiện giao thông bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không.

Tuy nhiên, lợi thế này chưa được phát huy để trở thành yếu tố quan trọng, đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến dịch vụ-du lịch hấp dẫn.

Chẳng hạn, sân bay Đà Nẵng còn hạn chế về năng lực tiếp nhận và kết nối với các trung tâm du lịch trong khu vực và trên thế giới. Đà Nẵng chưa có cảng du lịch, kết nối giao thông giữa trung tâm thành phố với các điểm di sản thế giới trong khu vực còn chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách...

Theo kiến trúc sư Robert Day, Chuyên gia tư vấn Quy hoạch du lịch, Phó Chủ tịch, Giám đốc về quy hoạch Tập đoàn WATG (Hoa Kỳ), để Đà Nẵng trở thành một điểm đến du lịch, các khu vực bãi biển phải được chia thành nhiều phân khu mang các đặc tính riêng, được quy hoạch để "nhắm" vào từng phân khúc thị trường cụ thể.

Đà Nẵng dù đã nổi tiếng với hai bãi biển dài tuyệt đẹp, song đây chỉ là một phần để thu hút du khách. Vì vậy, thành phố cần quy hoạch không gian tiềm năng để Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch của toàn vùng.

Các hoạt động du lịch theo tuyến đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền bá hình ảnh và dịch vụ du lịch. Đà Nẵng may mắn nằm ở trung tâm của tuyến du lịch di sản từ Huế đến Mỹ Sơn. Nhưng, để nâng cao chất lượng và mở rộng các điểm đến du lịch trong vùng, cần phát triển "trọn gói" các hoạt động của tuyến này.

Thật bất lợi nếu quy hoạch một chuỗi dài các khách sạn "na ná" nhau mà không hề có một sự kết nối nào để tạo mối liên hệ giữa không gian sống bên trong và bên ngoài khách sạn. Đó đơn thuần chỉ được coi là một chuỗi công trình, chuỗi sản phẩm chứ không phải là một đến điểm du lịch.

Tương tự, cũng không nên thiết kế bố trí khách sạn và nhà hàng ven biển sôi động ngay bên cạnh khối nghỉ dưỡng sang trọng biệt lập. Điều này đã tạo ra sự bất tiện trong cho cả hai loại hình dịch vụ. Trong quá trình hoạch định không gian, cần phải tính toán.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện Trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, dịch vụ là ngành mũi nhọn, có vai trò định hướng và dẫn dắt toàn bộ nền kinh tế thành phố, góp phần quyết định để đưa Đà Nẵng trở thành đô thị có đẳng cấp quốc tế ở bậc cao nhất (thành phố thông minh, xanh, hội tụ tinh hoa, hội tụ nhân văn). Chính vì vậy, phát triển dịch vụ đạt đẳng cấp quốc tế, là yếu tố quyết định để Đà Nẵng phát huy hết tiềm năng và thế mạnh được thiên nhiên ưu đãi.

Những định hướng để phát triển dịch vụ thành phố là xây dựng Đà Nẵng thành thành phố thông minh, trở thành một trong những trung tâm dịch vụ lớn của Việt Nam, phát triển trung tâm buôn, phát luồng hàng hóa, trở thành trung tâm tài chính của khu vực miền Trung-Tây Nguyên; nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo; hình thành trung tâm y tế chuyên sâu và phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt sớm xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch, gắn với không gian du lịch Huế-Đà Nẵng-Quảng Nam-Tây Nguyên, trong mối quan hệ quốc gia và khu vực Đông Nam Á.

Đà Nẵng cũng cần hình thành một số sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, có năng lực cạnh tranh tầm khu vực và quốc tế; ưu tiên phát triển các dịch vụ giải trí, ưu tiên cho dịch vụ giải trí cao cấp như sân golf, thể thao giải trí trên biển (thuyền buồm, lướt sóng, lặn biển...) và một số khu vui chơi có thưởng dành riêng cho người nước ngoài có đẳng cấp quốc tế.

Theo ông Peter R. Ryder, Tổng Giám đốc Tập đoàn Indochina Capital, những điểm chính nhằm thúc đẩy nền du lịch của Đà Nẵng là cần ứng dụng cách tiếp cận phát triển du lịch bền vững, phát triển du lịch gắn kết với phát triển kinh tế, xã hội, môi trường hiện tại và tương lai, đáp ứng nhu cầu của du khách, nhà kinh doanh, môi trường và cả cộng đồng; gia tăng các chuyến bay quốc tế; đơn giản hóa thủ tục visa; tạo lập nhiều khu du lịch tiêu chuẩn quốc tế...

Ngoài ra, việc tập trung phát triển nguồn nhân lực, thành lập thêm nhiều trường đào tạo nghề hiệu quả cao, trong đó hỗ trợ sinh viên vay vốn trả học phí và cho phép họ hoàn vốn khi đã có việc làm ổn định trong ngành du lịch là một giải pháp dài hạn nhằm cải thiện tiêu chuẩn dịch vụ trong vùng.

Chuyên gia nghiên cứu lịch sử Chăm Nathan Lauer lại cho rằng quảng cáo truyền miệng là cách đơn giản, hiệu quả nhất để mang lại nguồn khách hàng cho doanh nghiệp. Việc tạo ra những sản phẩm du lịch tại các điểm du lịch được khách mua và sử dụng không chỉ quảng bá cho điểm đến đó mà còn đem lại lợi nhuận cho người bán và khu vực của người bán. Vì vậy, một hệ thống các cửa hàng bảo tàng, hoặc thậm chí chỉ là một cửa hàng bảo tàng duy nhất cũng có thể hoạt động như một đại lý tiếp thị mạnh mẽ cho điểm du lịch của thành phố.

Về những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển du lịch Đà Nẵng, tiến sỹ Trần Du Lịch (Trưởng Nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung) và nghiên cứu sinh Đặng Đình Đức (Trưởng Nhóm Công tác phục vụ Ban điều phối vùng, Nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng và Quỹ Nghiên cứu phát triển miền Trung) cho rằng du lịch Đà Nẵng thiếu một định hướng, chiến lược phát triển mang đẳng cấp cao của thế giới. Năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Đà Nẵng chưa cao, trong khi phải cạnh tranh gay gắt của các điểm du lịch nổi tiếng trong vùng, khu vực và thế giới. Tình trạng du khách trung chuyển qua Đà Nẵng để tiếp tục ra Huế hoặc vào Hội An, Nha Trang... còn chiếm tỷ lệ cao.

Nguyên nhân là do du lịch thành phố mang tính thời vụ cao, thiếu các sản phẩm du lịch đặc sắc, ấn tượng, thiếu các dịch vụ mua sắm, giải trí hấp dẫn, đặc biệt là thiếu các khu mua sắm, khu vui chơi và dịch vụ giải trí về đêm, trong nhà.

Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch dù đã được triển khai rộng, nhưng quy mô và chất lượng chưa cao, thị trường khách du lịch thiếu ổn định, thiếu bền vững, chưa thu hút được nhiều du khách quốc tế đến lưu trú dài ngày... Vì vậy, Đà Nẵng cần lựa chọn các ý kiến khả thi để nghiên cứu, sớm triển khai thực hiện; xây dựng chiến lược phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng mang đẳng cấp cao, ngang tầm quốc tế, gợi ý khẩu hiệu cho du lịch Đà Nẵng "Cửa ngõ di sản và là thiên đường biển đảo."

Thành phố cần quyết liệt trong việc thu hồi các dự án dịch vụ, du lịch chậm triển khai; đồng thời chú trọng huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển các dịch vụ, sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có của Đà Nẵng với đẳng cấp cao; đầu tư phát triển các dịch vụ còn thiếu như sản phẩm điểm đến, sản phẩm du lịch trên sông, sản phẩm du lịch xanh, các dịch vụ vui chơi giải trí trong nhà, về đêm và trên biển; khu mua sắm tập trung, các resort 3-4 sao...

Đã đến lúc cần làm phong phú các loại hình du lịch trải nghiệm đẳng cấp cao, có sự tương xứng giữa điểm đến và những hoạt động vui chơi giải trí. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị du lịch đẳng cấp quốc tế và mang tính cạnh tranh cao. Có như vậy, du lịch Đà Nẵng mới phát triển xứng tầm với tiềm năng, lợi thế hiện có./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục