Đề Giáo dục công dân dễ đã "cứu" thí sinh trong buổi thi cuối cùng

Lần đầu tiên môn Giáo dục công dân được đưa vào Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia nhưng đề thi môn này khá dễ và được đánh giá là sẽ 'cứu điểm" các thí sinh thi bài thi Tổ hợp Khoa học Xã hội.
Đề Giáo dục công dân dễ đã "cứu" thí sinh trong buổi thi cuối cùng ảnh 1Các thí sinh thi tổ hợp Khoa học Xã hội đánh giá đề không khó. (Ảnh minh họa: Minh Sơn/Vietnam+)

Sáng ngày 24/6, nhiều thí sinh căng thẳng trước khi vào phòng thi do 3 môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân có khối lượng kiến thức rất lớn.

Tuy nhiên, khi kết thúc bài thi Tổ hợp Khoa học Xã hội, các thí sinh đều nhận định đề khá "dễ thở" với 70% là kiến thức cơ bản. Đặc biệt, đề thi môn Giáo dục công dân dễ và sẽ 'cứu điểm" các thí sinh thi bài thi Tổ hợp Khoa học Xã hội.

[Đề thi môn Giáo dục công dân kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017]

Khoảng 500.000 thí sinh đã thi môn cuối cùng là bài Tổ hợp Khoa học Xã hội của Kỳ thi Trung học Phổ Quốc gia. Bài thi Tổ hợp Khoa học Xã hội gồm ba môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân có 120 câu hỏi, thời gian mỗi môn 50 phút. Đây là lần đầu tiên những môn khoa học xã hội trong Kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia áp dụng hình thức trắc nghiệm và cũng là lần đầu tiên môn Giáo dục công dân được đưa vào thi.

Năm nay, các thí sinh khá hào hứng với việc thi trắc nghiệm vì không còn phải lo lắng đến việc không đủ thời gian làm bài như thi tự luận. Em Nguyễn Ngọc Phương, học sinh trường Trung học Phổ thông Việt Đức (Hà Nội): "Kỳ thi năm nay kéo dài và thi liên tục cả 3 môn khoa học xã hội trong gần 3 tiếng nên em cảm thấy khá mệt. Tuy nhiên, hình thức thi trắc nghiệm khiến tâm lý thoái mái hơn. So với đề thi năm ngoái em thấy năm nay đề mở và dễ hơn nhiều."

[24 đề thi môn Lịch sử kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017]

Đánh giá về đề thi Tổ hợp Khoa học Xã hội, thí sinh Phạm Thị Khánh An, học sinh trường Trung học Phổ thông Việt Đức (Hà Nội) chia sẻ: "Đề thi môn Địa lý có tính vận dụng cao, yêu cầu thí sinh hiểu biết thực tế. Còn đối với đề thi môn Lịch sử năm nay không khó và không nhiều câu đánh đố, học sinh có thể đạt được điểm 7-8 nếu nắm chắc kiến thức sách giáo khoa. Môn Giáo dục công dân thì đề thi khá dễ để lấy được điểm cao."

Mỗi mã đề thi môn Địa lý đều xuất hiện các câu hỏi có tính thời sự hoặc các câu hỏi đòi hỏi khả năng vận dụng và tổng hợp kiến thức cao. Đề thi môn Địa lý không quá khó so với đề thi minh họa, thử nghiệm và tương đương đề thi tham khảo.

[24 đề thi môn Địa lý kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2017]

Tiến sỹ Lê Thị Thu Hương, giáo viên môn Lịch sử tại Hệ thống giáo dục HOCMAI nhận định: "Đề thi Lịch sử năm nay có sự xuất hiện dạng bài mới là trích dẫn các văn bản lịch sử. Tuy nhiên, nhìn chung, đề không quá khó so với đề thi minh họa, thử nghiệm và tương đương đề thi tham khảo. Cách ra đề cũng đã hạn chế những câu hỏi ở mức học thuộc lòng, góp phần thay đổi dần cách nhìn của xã hội đối với môn Lịch sử."

Lần đầu tiên môn Giáo dục công dân được đưa vào Kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia, thạc sỹ Trần Văn Năng, giáo viên trường Trung học Phổ thông chuyên Amsterdam (Hà Nội) cho rằng: "Việc đưa môn Giáo dục công dân vào kỳ thi có tính quốc gia đã góp phần cải thiện cái nhìn của xã hội với môn học vốn bị coi là 'môn học phụ', đồng thời cho thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo đang từng bước thực hiện lộ trình đổi mới, kiểm tra đánh giá học sinh một cách toàn diện. Nhìn chung, đề không quá khó so với đề thi minh họa, thử nghiệm và tương đương đề thi tham khảo. Tuy nhiên, điểm 10 về cơ bản sẽ không nhiều."

Kết thúc kỳ thi với tâm lý vui vẻ, thí sinh Cái Minh Hoàng, học sinh trường Trung học Phổ thông Văn Hiến (Hà Nội) chia sẻ: "Việc đưa môn Giáo dục công dân vào kỳ thi ​này giúp chúng em có cơ hội 'cứu điểm' hơn rất nhiều. Em thấy đề thi vừa dễ vừa sát với thực tế."/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục