Đề Lịch sử dễ, nhưng thí sinh khó đạt điểm cao

Đề thi môn Lịch sử bám sát chương trình học với các nội dung cơ bản nhưng nhìn chung vẫn khá khó để các thí sinh đạt điểm cao.
“Thở phào” khi tiếng trống báo hiệu thời gian thi môn Lịch sử đã điểm vì đề thi sát với chương trình học, nội dung cơ bản… nhưng theo nhiều sĩ tử, bài thi của họ không dễ để vươn tới mốc 8 hay 9 điểm.

Thí sinh Thu Trang, học sinh trường Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm cho hay đề thi chiều nay, Trang làm được cả ba câu nhưng tính ra chắc cũng chỉ khoảng 7 điểm.

Nhận định của nhiều thí sinh cho thấy, đề thi môn Lịch sử rất cơ bản, tập trung vào những sự kiện lớn như Cách mạng tháng Tám hay hiệp định Paris. Do đó, học sinh chỉ cần ôn vững kiến thức trong sách giáo khoa là hoàn toàn có thể kiếm điểm trên trung bình.

Trang kể, buổi trưa, ngay sau khi thi xong môn Địa lý, cô học sinh lớp 12 đã vội về nhà ôn lại những gạch đầu dòng lớn của môn Lịch sử. Thế nhưng, với lượng kiến thức phải học quá nhiều, có những phần đã thuộc làu trước đó nhưng đến khi học lại vẫn lẫn lộn.

“Nhiều bạn bè em đều xác định học tủ vì không thể thuộc hết được nhưng em không dám, mỗi phần ôn một ít, thà mỗi thứ nắm được ý chính còn hơn,” Trang nói.

Đã xác định tâm lý từ trước nên Nguyễn Trọng Đạt, học sinh trường Trung học phổ thông Cầu Giấy không quá bận tâm với phần thi mà theo cậu, cùng lắm cũng trên trung bình.

Đạt tiết lộ, cậu chỉ “ôm tủ” phần kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là phong trào Đồng Khởi 1959-1960 và một phần lịch sử thế giới như Liên Xô và các nước Đông Âu (1945-1991), Liên bang Nga (1991- 2000)... Còn lại, Đạt chỉ lướt qua ý chính, và phần lớn trông vào vận may.

“Em trúng tủ được câu 2 về nội dung hiệp định Paris 1973, hai câu còn lại thì mang máng. Chỉ mong qua điểm trung bình vì dù sao vẫn còn cơ hội kiếm điểm ở hai môn thi ngày mai là Toán với Tiếng Anh,” Đạt nói.

Chung tâm trạng, Trần Mỹ Hà, trường Trung học phổ thông Ngô Thì Nhậm cho hay, tuy đã ôn bài khá kỹ và Lịch sử cũng là môn em thích học, tuy nhiên, bài thi này em chỉ dám ước lượng điểm số bài thi môn Sử của mình đạt 7-8 điểm.

“Thi một lúc sáu môn, nên chúng em phải học rất nhiều. Em cũng không đặt quá nặng về vấn đề điểm số, bởi tất cả còn phải dồn sức cho kỳ thi Đại học,” Hà nói.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, cô Đỗ Thu Quyên, giáo viên trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội-Amsterdam nhận định, đề thi năm nay đã tạo được sự kết hợp giữa hai yếu tố “biết” và “hiểu” lịch sử. Tuy nhiên, đề thi còn hạn chế ở mục tiêu vận dụng kiến thức vào những liên hệ thực tế như ở đề thi môn Ngữ văn, Địa lý.

“Nhìn chung đề vừa sức và mang tính trọng tâm. Tuy nhiên, để đạt được điểm 8, 9 trở lên, học sinh cần hiểu vấn đề và trình bày một cách thông minh. Ví dụ, phần câu hỏi ‘tại sao’ thì phải biết lấy hoàn cảnh lịch sử để trả lời,” cô Quyên nói.

Cô Phương Thanh, giáo viên trường Phổ thông liên cấp Olympia thì cho hay, đề môn Lịch sử không quá dài, nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12, bám sát kiến thức cơ bản sách giáo khoa.

Các câu hỏi của đề thi đều rất rõ ràng, không hề mang tính đánh đố học sinh. Các em chỉ cần ghi nhớ kiến thức cơ bản trong sách là hoàn toàn có thể đạt từ 6 đến 7 điểm.
 
Để làm tốt bài thi, các thí sinh phải hiểu vấn đề chứ không chỉ là “học vẹt,” ghi nhớ kiến thức, sự kiện một cách máy móc, cơ học.

Còn theo nhận định của một giáo viên trường Trung học phổ thông Nho Quan C (Ninh Bình), môn Lịch sử đòi hỏi thí sinh phải nhớ ngày tháng sự kiện nên nếu không học kỹ và năm chắc kiến thức, thí sinh sẽ khó hoàn thành được bài thi.

“Đề Sử năm nay như vậy là vừa sức, yêu cầu đề thi có phần nhẹ nhàng hơn so với đề thi các năm trước. Các câu hỏi đều nằm trong phần kiến thức chương trình cấp 3 mà các em đã được học,” vị giáo viên này nói..

Cô giáo này cũng nhận định, riêng với câu 1, đa phần thí sinh đều làm rất tốt vì đây là dạng câu hỏi mẫu và thường được giáo viên dự đoán trong các kỳ thi nên sĩ tử hoàn toàn có thể dành điểm tuyệt đối.

Đối với phần dành riêng cho thí sinh, cô giáo này cũng cho rằng, ở dạng câu hỏi Lịch sử thế giới, khả năng phân loại ở đề dành cho thí sinh cũng chưa có sự phân hóa rõ rệt. Các câu hỏi chỉ tập trung ở dạng lý thuyết, nếu học sinh nào nắm vững kiến thức thì sẽ làm được 80% bài thi.

“Nhiều thí sinh khối tự nhiên, nếu gặp dạng đề ra như này cũng có thể đạt điểm trung bình bởi số câu hỏi không khó, không đánh đố thí sinh. Tuy nhiên, đối với ban xã hội, đề Sử năm nay sẽ là một trong các môn ‘gỡ’ điểm và bổ trợ điểm số so với các môn khác,” cô cho biết./.

Nhóm PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục