Đề nghị 3 án chung thân tại vụ án Công ty thực phẩm công nghệ Sài Gòn

Ngày 20/10, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án kinh tế xảy ra tại Công ty cổ phần thực phẩm công nghệ Sài Gòn tiếp tục, với phần luận tội của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Đề nghị 3 án chung thân tại vụ án Công ty thực phẩm công nghệ Sài Gòn ảnh 1Quang cảnh phiên tòa ngày 8/6. (Ảnh Thành Chung/TTXVN)

Ngày 20/10, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án kinh tế xảy ra tại Công ty cổ phần thực phẩm công nghệ Sài Gòn tiếp tục, với phần luận tội của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo cáo trạng, lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước trong việc quản lý hàng xuất khẩu, khuyến khích xuất khẩu cũng như hoàn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp, Trần Thị Bích Tuyền (Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Đắc Tài và Lâm Tuấn Phát) tìm cách móc nối với Lê Dũng (Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm công nghệ Sài Gòn), Hứa Châu (Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại một thành viên Lâm Kim Ngọc) thỏa thuận ký các hợp đồng mua bán giả, xuất hóa đơn giá trị gia tăng ghi khống nội dung là mặt hàng thuốc lá có giá trị cao cho Công ty cổ phần thực phẩm công nghệ Sài Gòn.

Sau đó, Công ty cổ phần thực phẩm công nghệ Sài Gòn ký hợp đồng bán khống sang hai công ty tại Campuchia để làm thủ tục xuất khẩu nhưng hàng hóa thực xuất là mặt hàng rẻ tiền hoặc không có giá trị kinh tế.

Từ đó, phía công ty của Lê Dũng sẽ làm thủ tục xin hoàn thuế giá trị gia tăng, chiếm đoạt hơn 80 tỷ đồng của Nhà nước, chia nhau hưởng lợi cá nhân.

Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, với vai trò là giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm công nghệ Sài Gòn, Lê Dũng đã cấu kết với Trần Thị Bích Tuyền và Hứa Châu để ký các hợp đồng khống nhập khẩu và xuất khẩu thuốc lá điếu, thanh toán khống để chi trước 75% tiền hoàn thuế giá trị gia tăng của lô hàng.

Sau đó bị cáo chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ xuất khẩu để xin hoàn thuế giá trị gia tăng có thuế suất 10% được quy thành 100% để bù vào khoản 75% đã chi cho Hứa Châu, phần còn lại 25% nộp vào quỹ Công ty cổ phần thực phẩm công nghệ Sài Gòn. Bằng thủ đoạn gian dối trên, các bị cáo đã cấu kết, chiếm đoạt 80 tỉ đồng của Nhà nước.

Từ những quan điểm trên, Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 4-6 năm tù về tội “Buôn lậu”; chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” 13-15 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ,” tổng hợp mức án đề nghị là chung thân đối với bị cáo Lê Dũng. Viện Kiểm sát cũng đề nghị Hội đồng xét xử tuyên buộc bị cáo nộp lại 766 triệu đồng.

Đối với bị cáo Trần Thị Bích Tuyền, Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 4-6 năm tù về tội “Buôn lậu,” chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” chung thân về tội “Đưa hối lộ,” tổng hợp mức án là chung thân; buộc nộp lại số tiền chiếm hưởng 47 tỷ đồng.

Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 4-6 năm tù về tội “Buôn lậu”, mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” tổng hợp mức án là chung thân đối với bị cáo Hứa Châu; buộc bị cáo nộp 66 tỷ đồng.

Ngoài ra, đối với 28 bị cáo nguyên là công chức hải quan Thành phố Hồ Chí Minh và An Giang, Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 2 năm đến 15 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”

Trong vụ án, bị cáo Võ Văn Ân (trưởng Phòng hành chính nhân sự Công ty cổ phần thực phẩm công nghệ Sài Gòn) bị đề nghị mức án thấp nhất từ 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Đây cũng là mức án treo duy nhất do Viện Kiểm sát đề nghị.

Phiên tòa được bắt đầu từ ngày 12/10 và dự kiến kết thúc vào ngày 11/11./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục