Đề nghị cân nhắc quy định cấp thẻ căn cước đối với người dưới 14 tuổi

Luật Căn cước công dân năm 2014 đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần giải quyết; nhất là việc sửa đổi, bổ sung quy định để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ở nước ta theo Đề án 06.
Đề nghị cân nhắc quy định cấp thẻ căn cước đối với người dưới 14 tuổi ảnh 1Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 2/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Căn cước.

Bổ sung quy định về căn cước điện tử

Trình bày tờ trình, Đại tướng Tô Lâm cho biết về lý do sửa đổi, bổ sung luật, qua hơn 7 năm triển khai thi hành, Luật Căn cước công dân năm 2014 đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần giải quyết; nhất là việc sửa đổi, bổ sung quy định để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ở nước ta theo Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030).

Về một số nội dung sửa đổi, bổ sung nổi bật trong dự án luật, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ “căn cước công dân,” quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, dòng chữ “thẻ căn cước,” nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú...

[Đề xuất đổi quê quán thành nơi sinh trên căn cước công dân]

"Việc thay đổi, cải tiến như trên để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân; các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước," Bộ trưởng Bộ Công an cho biết.

Đối với những thẻ căn cước công dân đã cấp thì vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này.

Về người được cấp thẻ căn cước, dự thảo Luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, việc cấp thẻ cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc.

Về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, dự thảo Luật bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước vào thẻ căn cước...

Người dân thực hiện thủ tục tích hợp thông tin vào thẻ căn cước thông qua việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước hoặc ứng dụng VNeID khi đã có căn cước điện tử.

Về căn cước điện tử, đây là nội dung được bổ sung so với quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014. Dự thảo Luật quy định mỗi người dân chỉ có 1 căn cước điện tử là tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập; việc thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử phải sử dụng căn cước điện tử.

Căn cước điện tử được sử dụng để thực hiện các giao dịch, hoạt động khác theo nhu cầu của người dân.

Căn cước điện tử có giá trị sử dụng tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ căn cước; có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ, tài liệu đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.

Cân nhắc quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Căn cước như Tờ trình của Chính phủ.

Đề nghị cân nhắc quy định cấp thẻ căn cước đối với người dưới 14 tuổi ảnh 2Quang cảnh phiên họp chiều 2/6. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Việc chỉnh lý tên gọi “Luật Căn cước công dân (sửa đổi)” thành “Luật Căn cước” nhằm bảo đảm tính bao quát, đầy đủ, phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, phù hợp với yêu cầu quản lý và khai thác, sử dụng trong các giao dịch của người dân; do vậy, nhất trí tên gọi của dự thảo Luật là Luật Căn cước.

Về một số nội dung cụ thể, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, cần lưu ý làm rõ thêm về “căn cước điện tử” trong dự thảo Luật, vì căn cước điện tử được giải thích là “tài khoản định danh điện tử”; đồng thời làm rõ hơn cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn đối với đối tượng là người gốc Việt Nam không có quốc tịch đang sinh sống ở Việt Nam cho phù hợp với tên gọi.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc nội dung về "nơi đăng ký khai sinh" và "nơi cư trú" để quy định bảo đảm thống nhất. 

Lý do được đưa ra là, về “nơi đăng ký khai sinh”: trên thực tế có nhiều người không làm thủ tục đăng ký khai sinh (nhất là người dân ở phía Nam sinh từ năm 1975 trở về trước), nên quy định như dự thảo Luật sẽ gặp khó khăn khi cấp thẻ căn cước cho những người này.

Mặt khác, theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam thì thông tin trên hộ chiếu là “nơi sinh”; Luật Hộ tịch cũng quy định thông tin “nơi sinh”. Vì vậy đề nghị nghiên cứu quy định bảo đảm thống nhất.

Về “nơi cư trú,” theo quy định hiện hành, nơi cư trú có thể là nơi thường trú, nơi tạm trú hoặc nơi ở hiện tại (trong trường hợp không có nơi thường trú, nơi tạm trú).

Mặc dù quy định này có thể tạo thuận lợi cho một số công dân không có nơi thường trú hoặc chưa có nơi tạm trú, nhưng trên thực tế lại gây khó khăn cho đa số công dân khác khi thực hiện các giao dịch cần xác định nơi thường trú.

Mặt khác, thông tin nơi tạm trú hoặc nơi ở hiện tại của công dân thường không ổn định, nên thông tin ghi trên thẻ thường sẽ không chính xác ở thời điểm giao dịch.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể trường thông tin nào bắt buộc, trường thông tin nào cập nhật theo nhu cầu của người dân, trường thông tin nào chỉ áp dụng cho một số đối tượng nhất định…; quy định thông tin về “nhóm máu” và thông tin về “mống mắt, AND, giọng nói” chỉ được thu thập, cập nhật “khi công dân có yêu cầu”; đối với thông tin về “nghề nghiệp” đề nghị quy định “trừ công an, quân đội và cơ yếu.”

Có ý kiến đề nghị lược bỏ một số thông tin thiếu tính ổn định như “nơi tạm trú,” “nơi ở hiện tại,” “tình trạng khai báo tạm vắng,” “mối quan hệ với chủ hộ,” “số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử”… vì để bảo đảm tính chính xác thì các thông tin này phải được cập nhật thường xuyên, liên tục và kịp thời khi công dân thay đổi, dẫn đến thiếu khả thi.

Hơn nữa, các thông tin về cư trú là những thông tin đã được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, cần tăng cường khai thác thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu chứ không cần thiết cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Về quy định đối tượng cấp thẻ căn cước là người dưới 14 tuổi, đây là quy định mới so với Luật Căn cước công dân năm 2014, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân, đặc biệt là nhóm trẻ em dưới 14 tuổi; phát huy việc khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; tiện ích cho nhiều dịch vụ, như: khám bệnh, giáo dục, du lịch…

Hơn nữa, dự thảo Luật quy định việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi là theo nhu cầu là hợp lý, có tính khả thi, đồng thời phù hợp với xu thế chung mà một số quốc gia đang thực hiện.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định bổ sung đối tượng cấp thẻ căn cước là người dưới 14 tuổi vì cho rằng, nhu cầu sử dụng thẻ căn cước của nhóm đối tượng này rất ít, các giao dịch chủ yếu vẫn thực hiện thông qua cha, mẹ hoặc người đại diện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục