Đề nghị công an điều tra vụ phá 43,7 ha rừng tự nhiên tại Bình Định

Ngày 7/9, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão Đoàn Văn Tá cho biết Hạt Kiểm lâm đang tiến hành các thủ tục để khởi tố vụ án, đề nghị Cơ quan điều tra Công an vào cuộc điều tra vụ phá rừng này.
Đề nghị công an điều tra vụ phá 43,7 ha rừng tự nhiên tại Bình Định ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Liên quan vụ phá 43,7 ha rừng tự nhiên tại tiểu khu 1, xã An Hưng (huyện An Lão, Bình Định), ngày 7/9, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão Đoàn Văn Tá cho biết Hạt Kiểm lâm đang tiến hành các thủ tục để khởi tố vụ án, đề nghị Cơ quan điều tra Công an vào cuộc điều tra vụ phá rừng này.

Đại diện Hạt Kiểm lâm huyện An Lão cho hay, khu vực rừng bị phá trắng tại các khoảnh 7 và 8, tiểu khu 1, thuộc sự quản lý của Ủy ban Nhân dân xã An Hưng (huyện An Lão). Tại vị trí thứ nhất (tại khoảnh 8) bị phá trắng 17,4 ha, nhiều cây gỗ có đường kính mặt cắt từ 10-35cm, chiều cao gốc chặt từ 0,3-0,6m, thân gỗ có chiều dài từ 8-12m bị đốn hạ; dụng cụ cưa hạ cây gỗ là cưa máy cầm tay; thời điểm phá rừng cách thời điểm kiểm tra chỉ 3-10 ngày nên lá cây rừng bị đốn hạ vẫn còn xanh, chưa kịp khô héo.

Tại vị trí thứ hai (cũng tại khoảnh 8) có diện tích rừng bị phá 13,1 ha, đối tượng phá rừng đã dùng xe cơ giới mở đường dài khoảng 500 m để tiện cho việc phá rừng. Các dấu hiệu phá rừng đều tương tự tại địa điểm thứ nhất với hàng loạt cây gỗ lớn và toàn bộ thực bì bị phá trắng. Hạt Kiểm lâm An Lão xác định thời điểm phá rừng cách thời điểm kiểm tra khoảng 30 ngày. Trong khu vực này, đã có 7 ha được các đối tượng trồng keo lai sau khi phá rừng.

[43ha rừng bị xóa trắng trong một thời gian dài mà không ai phát hiện]

Địa điểm rừng bị phá thứ 3 tại khoảnh 7, diện tích đã bị phá là 13,2 ha, được quy hoạch chức năng rừng phòng hộ. Hiện trạng cây gỗ và rừng bị phá tương tự tại hai điểm trên; cây gỗ bị hạ còn nguyên tại hiện trường, lá cây vẫn còn xanh, thân gỗ có chiều dài từ 8-11m.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão Đoàn Văn Tá cho hay, lực lượng liên ngành sẽ kiểm tra, khám nghiệm hiện trường, trưng cầu giám định để khởi tố vụ án. Ông Tá cũng khẳng định, ngay khi phát hiện vụ việc, Hạt Kiểm lâm huyện An Lão đã báo cáo với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, theo nguồn tin của phóng viên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định nhận được thông tin này qua sự chỉ đạo trực tiếp từ cấp trên.

Điều đáng nói là, tại khu vực này đã có hiện tượng phá rừng từ nhiều năm trước và với vụ việc này, những hoạt động ban đầu cũng đã được phát hiện khoảng 2 tháng trước, nhưng các ngành chức năng thiếu các giải pháp ngăn chặn. Tại khu vực rừng bị phá mới đây, lực lượng chức năng phát hiện một lều trại cùng với các dụng cụ nấu ăn, sinh hoạt hằng ngày.

Cũng theo Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, một người tên là Thiệt ở xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) đã lấn chiếm 30 ha rừng tự nhiên trước đó, gần khu vực vừa bị phá cũng thuộc khoảnh 8, tiểu khu 1 để trồng keo lai. Hiện keo lai do ông Thiệt trồng có tuổi đời từ 2-3 năm. Ông Thiệt là người đã thuê người ở xã Hoài Sơn phá rừng và thuê người ở Quảng Ngãi vào trồng keo lai trên diện tích rừng ông đã phá và lấn chiếm.

Như vậy, việc phá rừng tự nhiên ở khu vực rừng thuộc xã An Hưng đã kéo dài nhiều năm. Riêng vụ phá đến 43,7 ha này cũng kéo dài trong nhiều tháng, nhưng lực lượng chức năng không phát hiện sớm.

Trước thực trạng này, cùng với việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại văn bản số 9204/VPCP-NN ngày 30/8/2017 về việc đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm rừng tự nhiên bị phá, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định,Ủy ban Nhân dân huyện An Lão tiến hành làm rõ vụ việc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục