Đề nghị đình chỉ hoạt động sản xuất của Vedan

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai theo thẩm quyền quyết định tạm thời đình chỉ hoạt động sản xuất của Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam cho đến khi hoàn thành biện pháp xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai theo thẩm quyền quyết định tạm thời đình chỉ hoạt động sản xuất của Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam cho đến khi hoàn thành biện pháp xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường.

Trong 2 ngày 6 và 7/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã ký 4 văn bản về việc xử lý những sai phạm về môi trường của Công ty Vedan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của công ty, và đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai xử lý những sai phạm của Công ty Vedan theo đúng thẩm quyền.

Quyết định 131/QĐ-XPHC về xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường yêu cầu công ty nộp phạt trên 127,5 tỷ đồng.

Quyết định số 1999/QĐ-BTN&MT về việc đình chỉ có hiệu lực Giấy phép xả nước thải vào nguồn của công ty yêu cầu công ty phải nộp phạt 267,5 triệu đồng về 12 nội dung vi phạm bảo vệ môi trường, xả thải vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Đặc biệt, Thanh tra yêu cầu công ty phải nộp khoản truy thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp là gần 127,3 tỷ đồng, đồng thời phải thực hiện việc nộp phí trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày nhận được Quyết định 131.

Văn bản này cũng nêu rõ những biện pháp mà công ty phải khắc phục hậu quả môi trường như tháo gỡ toàn bộ hệ thống đường ống, cống ngầm, máy bơm và các thiết bị có liên quan (trong thời hạn 1 tháng), cấm hoạt động xả chất thải, đình chỉ hành vi xả thải.

Tại công văn trình Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của công ty, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam tiếp nhận và sử dụng khoản kinh phí tiền phạt, tiền truy thu nộp phí, tiền đền bù thiệt hại từ công và một số doanh nghiệp khác đang hoạt động trên lưu vực sông Thị Vải để phối hợp với các địa phương, các cơ quan liên quan trong việc xây dựng và thực hiện đề án khắc phục hậu quả môi trường, kinh tế xã hội trên lưu vực sông./.

(TTXVN) 

Tin cùng chuyên mục