Đề nghị đưa lễ hội Lồng Tông vào danh mục di sản

Tuyên Quang đã hoàn thành hồ sơ về lễ hội Lồng Tông trình Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Việt Thanh cho biết tỉnh đã hoàn thành hồ sơ về lễ hội Lồng Tông của dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo ngôn ngữ của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang, Lồng Tông có nghĩa là “xuống đồng." Lễ hội là một loại hình sinh hoạt văn hóa nghi lễ mang đậm tính dân gian về cội nguồn văn hóa, được lưu truyền từ lâu trong đời sống văn hóa tinh thần và xã hội của người Tày ở vùng Đông Bắc.

[Đề nghị đưa hát then vào di sản văn hóa phi vật thể]

Lồng Tông là lễ hội cầu thần Nông, thần Thành Hoàng làng và thần bản địa của đồng bào dân tộc Tày với mục đích tạ ơn thần làm cho mùa màng bội thu; cầu mong thần phù hộ cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống của dân bản ấm no, tươi vui, nhà nhà ấm no hạnh phúc... Đồng thời, lễ hội cũng là dịp gặp gỡ trao đổi, thưởng thức các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian hấp dẫn…

Lễ hội được tổ chức từ mồng 2 tháng Giêng kéo dài đến đầu tháng Hai âm lịch hàng năm, theo khu vực dân cư, có thể liên xóm, liên xã, có khi cả một vùng. Lễ hội gồm hai phần: lễ và hội. Các nhà nghiên cứu về lễ hội Lồng Tông của người dân tộc Tày cho rằng “phần nghi lễ thể hiện cái tinh thần và phần hội thể hiện cái tinh hoa."

Hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang phối hợp với ủy ban nhân dân các huyện xây dựng chương trình, kế hoạch để phục dựng và bảo tồn lễ hội Lồng Tông tại các thôn bản, các xã, huyện đúng với truyền thống và theo nguyện vọng của người dân.

Trước đó, tỉnh Tuyên Quang cũng đã hoàn thành hồ sơ lý lịch nghi lễ Then (hát Then) dân tộc Tày và trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia./.

Vũ Quang Đán (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục