Đề nghị lùi thời gian trình Dự án Luật về xây dựng cơ bản

Phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 6 để cho ý kiến thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng 10/4, một số đại biểu cho rằng Dự án Luật này quá rộng, quá phức tạp và kiến nghị nên trình tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII chứ không phải như dự kiến là thông qua tại kỳ họp thứ 5 tới.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 6 để cho ý kiến thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng 10/4, một số đại biểu cho rằng Dự án Luật này quá rộng, quá phức tạp và kiến nghị  nên trình tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XII chứ không phải như dự kiến là thông qua tại kỳ họp thứ 5 tới.

Dự án Luật lần này tập trung sửa đổi, bổ sung vào 11 điều của các Luật: Xây dựng; Đầu tư; Đấu thầu; Doanh nghiệp; Thuế thu nhập doanh nghiệp; Đất đai; Bảo vệ môi trường; Phòng cháy, chữa cháy… liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản nhằm giải quyết những vướng mắc, những vấn đề bức xúc nhất đang cản trở các hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản trong thực tế thi hành; đồng thời đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, tạo môi trường pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho đối tượng thi hành luật; phát huy quyền chủ động và nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản được toàn xã hội quan tâm. Thực tế trong thời gian qua, việc thực hiện đầu tư xây dựng sử dụng vốn của Nhà nước còn quá chậm, phát sinh nhiều vấn đề bức xúc, trong đó có cả việc bỏ lỡ thời cơ, kéo dài thời gian xây dựng, gây lãng phí, tốn kém. Bởi vậy, việc sửa đổi Dự án Luật lần này chỉ mang tính trước mắt để đẩy nhanh thực hiện các chương trình kế hoạch đầu tư của Nhà nước có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, khi soạn thảo Dự án Luật cần có tầm nhìn rộng để đảm bảo tính đồng bộ với các Luật khác.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam Cao Sĩ Kiêm băn khoăn về việc sửa đổi, bổ sung Dự án Luật lần này liệu đã giải quyết cơ bản những vướng mắc hiện nay chưa; còn nhiều điểm được quy định rõ để rồi sửa đổi vẫn có thể sinh ra giấy phép con và “sẽ xảy ra lạm quyền khép kín”.

Ông Kiêm cho rằng những vấn đề mà Ban soạn thảo đưa ra trong Dự án Luật này quá rộng, quá phức tạp, trong khi đó dự kiến Luật này lại được thông qua ngay kỳ họp Quốc hội lần thứ 5 tới thì liệu có khả thi không. Chỉ riêng về Luật Đấu thầu và Luật Đất đai quá lớn, còn nhiều quan điểm trái chiều. Ông đề nghị Dự án Luật này cần có thêm thời gian để thảo luận, làm sáng tỏ hơn.

Liên quan đến phạm vi điều chỉnh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc cho biết đây là Dự án Luật được sửa đổi nhiều Luật, mang tính chất tổng hợp, liên kết với các Luật khác nhằm giảm bớt tính cục bộ. Song Ban soạn thảo cần làm rõ và nên chọn những vấn đề chung nhất liên quan đến các Luật, tránh chồng chéo. Ban soạn thảo nên sửa đổi Dự án Luật này theo từng nhóm vấn đề, từng lĩnh vực, giúp các doanh nghiệp tiếp cận dễ hơn. Đề nghị Dự án Luật này nên trình tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XII chứ không phải như dự kiến là thông qua tại kỳ họp thứ 5 tới.

Cũng liên quan đến vấn đề xây dựng cơ bản, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng cho rằng, hiện còn nhiều vấn đề gây trở ngại trong lĩnh vực này, thậm chí còn nhiều lúng túng trong việc triển khai dự án, chế tài xử lý không được quy định cụ thể… Mặt khác, vấn đề lựa chọn nhà thầu vẫn còn nhiều bất cập, chưa quan tâm bảo vệ các nhà thầu trong nước trong việc mua sắm các thiết bị đấu thầu. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét, quy định cụ thể vấn đề này trong Dự án Luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục