Đề nghị mức án đường dây ma túy Thanh Nhàn

Ngày 15/9, phiên xử sơ thẩm "giai đoạn 2" đường dây ma túy Thanh Nhàn, Hà Nội đã bắt đầu với phần luận tội, đề nghi mức án các bị cáo.
Ngày 15/9, phiên tòa xét xử sơ thẩm "giai đoạn 2" đường dây mua bán trái phép ma túy ở khu vực phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, được Viện kiểm sát bắt đầu phần tranh luận với bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.

Cụ thể, đối với nhóm 17 bị cáo bị truy tố về tội "tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy" bị Viện kiểm sát đề nghị 1 án tử hình đối với bị cáo Trần Thị Thuận; 6 án tù chung thân đối với: Bùi Trọng Bảy, Trần Thị Hiền, Nguyễn Viết Mạnh, Nguyễn Tiến Dũng, Trịnh Thị Thanh, Trần Thị Lành. 10 bị cáo còn lại bị đề nghị từ 16 năm đến 20 năm tù giam.

Đối với nhóm 6 bị cáo nguyên là các cán bộ công an, Viện kiểm sát đề nghị Tòa tuyên phạt bị cáo Phạm Đình Tiếng 15-17 năm tù giam về tội "nhận hối lộ", 2-3 năm tù giam về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", tổng hợp hình phạt chung là 17-20 năm tù giam.

Bị cáo Nguyễn Thế Quảng bị đề nghị từ 10-11 năm tù về tội "nhận hối lộ". 4 bị cáo còn lại nguyên là những cán bộ công an phường Bạch Mai gồm: Phạm Nho Việt, Lê Văn Minh, Võ Xuân Long, Đinh Quế Hoan đều bị đề nghị mức án từ 7-8 năm tù giam về tội "nhận hối lộ".

Theo bản luận tội của Viện kiểm sát, trong vụ án này, Trần Thị Thuận là đối tượng chủ mưu, tổ chức, điều hành việc mua bán ma túy tại M12 tập thể Mai Hương. Trong suốt quá trình điều tra, Thuận ngoan cố không nhận tội, gây khó khăn cho cơ quan công an trong việc điều tra mở rộng vụ án. Cơ quan công tố buộc tội Trần Thị Thuận đã mua bán trái phép 7.275 gram heroin, thu lời bất chính 390 triệu đồng.

Bùi Trọng Bảy là đối tượng tham gia cùng Thuận trong việc tổ chức, điều hành đường dây mua bán trái phép chất ma túy này. Để mua bán ma túy trót lọt, Bảy đã cùng vợ Trần Thị Lan đã nhiều lần đưa tiền hối lộ cho các bị cáo nguyên là công an để làm ngơ, bao che và chạy tội cho mình và đồng bọn không bị xử lý trước pháp luật. Quá trình điều tra, Bảy thành khẩn khai báo giúp cơ quan điều tra mở rộng vụ án, nên được Viện kiểm sát đề nghị xem xét cho giảm nhẹ án xuống mức tù chung thân.

Theo Viện kiểm sát, bị cáo Phạm Đình Tiếng tỏ ra là người tích cực bắt giữ Nguyễn Viết Mạnh (cháu của Bảy, một mắt xích trong khâu bán lẻ heroin).

Nhưng sau khi Mạnh bị bắt thì ông Tiếng lại thỏa thuận với Bảy phải đưa 8.000 USD (gần 120 triệu đồng) để thả Mạnh. Cơ quan tố tụng còn xác định, năm 2004, khi chị vợ của Bảy là Nguyễn Thị Lành bị Công an quận Hai Bà Trưng bắt, ông Tiếng còn "đánh tiếng" sẽ lo thả Lành với giá 5.000 USD.

Vợ chồng Bảy đã tìm đến Phạm Đình Tiếng cầu cứu thì được ông Tiếng mách nước: "Việc của chị Lành phải lo cả bên Viện kiểm sát và công an hết 5.000 USD". Nhận đủ tiền, ông Tiếng hứa hẹn: "Cứ yên tâm, anh sẽ lo toàn bộ để cái Lành nhà mày được về, không bị xử lý".

Hết lệnh tạm giam 4 tháng, Lành được về nhà và đình chỉ điều tra. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định, ông Tiếng không phải là điều tra viên thụ lý vụ án này, cũng không phải là người có chức vụ quyền hạn để có thể can thiệp vào vụ án... Trong khi đó, khoản tiền trên ông Tiếng không chuyển cho ai. Do vậy, Viện kiểm sát khẳng định, hành vi này của ông Tiếng cấu thành tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Dự kiến, ngày 18/9, Tòa sẽ tuyên án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục