Đề nghị thông qua Luật Bưu chính tại kỳ họp thứ 6

Trong phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu QH cho rằng dự thảo Luật được chuẩn bị kỹ càng, đủ điều kiện thông qua tại kỳ họp này.
Chiều 2/11, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về dự thảo Luật Bưu chính tập trung vào một số nội dung như Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động bưu chính; các quy định về đầu tư, kinh doanh dịch vụ bưu chính; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính và người sử dụng dịch vụ bưu chính...

Trong phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu cho rằng dự thảo Luật được chuẩn bị kỹ càng, đủ điều kiện thông qua tại kỳ họp này.

Theo các đại biểu, việc ban hành Luật Bưu chính là cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, tạo khung pháp lý đầy đủ hơn trong lĩnh vực bưu chính, giúp cho việc chính quy hóa, hiện đại hóa hoạt động bưu chính phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị cần xem xét kỹ càng dự thảo Luật trước khi thông qua để có sự đồng bộ với hệ thống pháp luật.

Cho ý kiến vào nội dung chính sách của Nhà nước về bưu chính quy định tại điều 5 dự thảo Luật, các đại biểu cơ bản nhất trí với việc bổ sung, chỉnh lý của Ban soạn thảo sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó quy định rõ “Huy động các nguồn lực của xã hội để xây dựng và phát triển ngành bưu chính theo hướng chính quy, hiện đại nhằm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, đời sống của nhân dân.”

Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn xung quanh nội dung “Áp dụng cơ chế ưu đãi cần thiết đối với hoạt động bưu chính công ích tại địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn”.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Nguyễn Văn Thuận (Quảng Nam), Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) đề nghị làm rõ thế nào là chế ưu đãi cần thiết đối với hoạt động bưu chính công ích bởi quy định như vậy là quá chung chung.

Đại biểu Lợi cho rằng cần nêu cụ thể là ưu đãi những gì để thể hiện rõ tính ưu việt của Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm tới đồng bào vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn...

Các đại biểu cơ bản đồng tình với quan điểm của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khi đánh giá về nội dung hoạt động của bưu chính công ích được quy định trong dự thảo Luật và cho rằng mạng bưu chính Việt Nam đã hình thành và phát triển khá mạnh mẽ và toàn diện theo yêu cầu của nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong hàng chục năm qua.

Hiện nay, tính theo bán kính phục vụ và tỷ lệ số dân trên một cơ sở bưu điện thì mật độ cơ sở dịch vụ bưu chính công ích của Việt Nam vào loại cao so với nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên, trong tình hình cạnh tranh với các hình thức truyền thông, thông tin khác, ngành bưu chính đang gặp một số bất lợi, khó khăn nhất định.

Căn cứ vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và yêu cầu của tình hình mới, việc phát triển mạng bưu chính, nâng cao chất lượng hoạt động bưu chính công ích là một nhiệm vụ chính trị-kinh tế quan trọng. Các đại biểu cho rằng, các quy định trong dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng được những yêu cầu trên.

Tuy nhiên đại biểu Dương Ngọc Ngưu (Thanh Hóa) và nhiều đại biểu đề nghị trong Luật không nên quy định việc cung ứng dịch vụ bưu chính công ích cho Tổng công ty Bưu chính Việt Nam mà chỉ nên quy định trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động bưu chính công ích. Việc doanh nghiệp nào thực hiện dịch vụ bưu chính công ích sẽ do Chính phủ quy định.

Các đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam), Bùi Sỹ Lợi cho rằng hộp thư tại gia đình được coi là sự tiến bộ, văn minh trong hoạt động bưu chính của Việt Nam, trước đây, việc này đã thực hiện tốt và đề nghị mỗi gia đình nên có một hộp thư trước cửa nhà.

Đại biểu Minh đề nghị cần quy định trong Luật để khu vực thành phố nghiêm túc thực hiện, khu vực nông thôn sẽ dần dần thực hiện sau. Tuy nhiên đại biểu Lợi lại cho rằng nếu quy định khắt khe ngay trong Luật thì chưa thực hiện được mà nên có lộ trình.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục