Đề nghị truy tố 9 bị can trong vụ 14 lần vỡ đường ống nước Sông Đà

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 9 bị can thuộc Tổng công ty Vinaconex trong vụ 14 lần vỡ đường ống nước Sông Đà.
Đề nghị truy tố 9 bị can trong vụ 14 lần vỡ đường ống nước Sông Đà ảnh 1Khắc phục sự cố vỡ đường ống dẫn nước sạch sông Đà về Hà Nội tháng 1/2015. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Liên quan đến những sai phạm qua vụ việc 14 lần vỡ đường ống nước sông Đà ở Hà Nội, ngày 26/11, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã kết thúc điều tra, tống đạt Kết luận điều tra vụ án “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex), đề nghị truy tố chín bị can về tội danh trên.

Trong số các bị can bị đề nghị truy tố có Hoàng Thế Trung, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà Hà Nội thuộc Vinaconex; Nguyễn Văn Khải, nguyên Phó giám đốc Ban quản lý; Trương Trần Hiển, nguyên Trưởng phòng vật tư, thiết bị thuộc Ban quản lý; Trần Cao Bằng, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex; Vũ Thanh Hải, nguyên Phó Giám đốc, nguyên Trưởng phòng sản xuất, nguyên Quản đốc phân xưởng Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex và các bị can là thành viên đoàn tư vấn giám sát thi công dự án.

Theo kết luận điều tra, dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây-Hòa Lạc-Xuân Mai-Miếu Môn-Hà Nội-Hà Đông (dự án cấp nước Sông Đà-Hà Nội) do Vinaconex làm chủ đầu tư, xây dựng từ năm 2003-2009, đưa vào vận hành khai thác sử dụng với công suất thiết kế 300.000m3 nước/ngày đêm.

Dự án có tám hạng mục chính, trong đó hạng mục tuyến ống truyền tải nước sạch dài 46km, sử dụng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh, có nhiệm vụ dẫn, chuyển nước sạch từ Nhà máy xử lý nước mặt Sông Đà (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) đi qua một số địa phận thuộc tỉnh Hòa Bình, Hà Tây (cũ) và Hà Nội, có tổng giá trị quyết toán được duyệt giai đoạn 1 là 1.450 tỷ đồng.

Quá trình điều tra làm rõ các cá nhân trên đã cho sản xuất, tiếp nhận và đưa các sản phẩm ống và phụ kiện ống composite cốt sợi thủy tinh không đảm bảo tiêu chuẩn vào lắp đặt cho các hạng mục công trình. Điều này dẫn đến việc tuyến ống liên tục vỡ từ sau khi vận hành đến nay.

Chỉ tính 14 lần vỡ đường ống nước Sông Đà Hà Nội, cơ quan điều tra đã làm rõ có 18 cây ống cốt sợi thủy tinh bị phá hủy.

Tuy nhiên, thiệt hại lớn hơn là việc doanh nghiệp phải chi số tiền hơn 13,4 tỷ đồng để khắc phục và dừng cấp nước sinh hoạt đối với 177.000 hộ dân trong thời gian dài (tổng cộng 14 lần ngừng cấp nước là 343 giờ) với lượng nước ngừng cấp trên 1,5 triệu m3. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân Hà Nội và các vùng lân cận.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp khai thác đường ống còn phải chi khẩn cấp 1.000 tỷ đồng xây dựng ngay một đường ống mới.

Trong vụ án này, bị can Trần Cao Bằng bị xác định là người có trách nhiệm chính trong việc sản xuất, cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Bị can Hoàng Thế Trung là người đã để xảy ra việc tiếp nhận và sử dụng các sản phẩm không đảm bảo chất lượng vào thi công.

Các bị can còn lại đều có vai trò, trách nhiệm liên quan trong việc cung ứng, thi công, giám sát và nghiệm thu công trình.

Đối với các thành viên Hội đồng quản trị Vinaconex có liên quan, Cơ quan điều tra xác định việc làm của các thành viên này đã vi phạm quy định tại các Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý và đầu tư xây dựng công trình, quy chế đấu thầu và Luật Xây dựng 2003 nên cần phải được điều tra làm rõ và đề nghị xử lý sau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục