Đề nghị xếp hạng di sản với ruộng bậc thang

Một bất ngờ khá lớn là tạp chí du lịch Travel and Leisure (Mỹ) vừa công bố 7 thửa ruộng bậc thang đẹp, kỳ vĩ nhất châu Á và thế giới trong đó có ruộng bậc thang ở Sa Pa (Lào Cai).
Ruộng bậc thang là một hình thức canh tác trên đất dốc của nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới như ruộng bậc thang của người Inca ở Pisac (Peru), ở Vân Nam (Trung Quốc), đặc biệt ruộng bậc thang ở Banaue của Philippines đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Trong bối cảnh đó, một bất ngờ khá lớn là tạp chí du lịch Travel and Leisure (Mỹ) vừa công bố 7 thửa ruộng bậc thang đẹp, kỳ vĩ nhất châu Á và thế giới trong đó có ruộng bậc thang ở Sa Pa (Lào Cai).

Mặc dù đây chỉ là kết quả bình chọn của bạn đọc một tạp chí, nhưng đó cũng là một tin vui để chúng ta nhìn lại “di sản” ruộng bậc thang ở Sa Pa. Các phóng viên đã có cuộc trò chuyện với tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai.

Ông có nghĩ rằng đây là một... may mắn đối với ruộng bậc thang ở Sa Pa?

Chúng tôi nghĩ, với vẻ đẹp tự nhiên của một danh thắng như thế thì việc ruộng bậc thang Sa Pa được tạp chí du lịch Travel and Leisure (Mỹ) công bố là một trong 7 thửa ruộng bậc thang đẹp, kỳ vỹ nhất châu Á và thế giới không phải là một sự “may mắn”.

Ruộng bậc thang ở Sa Pa là sản phẩm của tri thức dân gian của người Mông, người Dao. Ruộng bậc thang của người Mông và người Dao ở Sa Pa khác với của người Hà Nhì ở Vân Nam Trung Quốc, hay ở Philippines vì mỗi dân tộc đều có cách canh tác và khai thác khác nhau.

Chủ nhân của ruộng bậc thang ở Sa Pa là những người có tri thức dân gian phong phú, họ có cách canh tác riêng. Do vậy việc ruộng bậc thang ở đây được công nhận không phải là “may mắn”. Dưới góc nhìn văn hóa, ruộng bậc thang ở Sa Pa đẹp không kém gì ruộng bậc thang ở La Pán Tẩn (Mù Cang Chải, Việt Nam) hay ở Philippines.

Ruộng bậc thang ở Sa Pa phổ biến ở những khu vực nào? Địa điểm nào là điển hình nhất? Là nhà nghiên cứu văn hóa, theo ông, ruộng bậc thang ở Sa Pa có nét nào có thể xem là “nổi bật thế giới”?

Ruộng bậc thang phổ biến nhất ở những khu vực sườn núi tương đối dốc đứng dọc đường xã Trung Chải (Sa Pa), trên đường từ thành phố Lào Cai vào Sa Pa. Đây là ruộng bậc thang của người Mông.

Ngoài ra, tập hợp ruộng bậc thang của người Mông, người Dao và người Giáy ở thung lũng Mường Hoa là sự kết hợp giữa việc canh tác lúa nước ở thung lũng hẹp của người Giáy với việc khai khẩn ở trên núi cao của người Mông và Dao.

Đặc biệt, ở thung lũng Mường Hoa du khách có thể quan sát tổng thể hệ thống ruộng bậc thang từ suối Mường Hoa lên lưng chừng núi, diện tích khoảng gần 10km2. Ở vùng này, vẻ đẹp của ruộng bậc thang càng được nổi bật nhờ không gian cảnh quan rộng, du khách không bị che khuất tầm mắt.

Một khu vực khác có ruộng bậc thang rất đẹp là Suối Thầu, là kết quả khai khẩn của người dân tộc Dao.

Ở VN loại hình ruộng bậc thang cũng xuất hiện ở nhiều nơi ở phía Bắc, thậm chí có cả ở M’Drăk thuộc Đắk Lắk, trong đó, ít nhất đã có ruộng bậc thang Mù Cang Chải (ở 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Zế Xu Phình, Yên Bái) được công nhận là di tích quốc gia năm 2007. Còn ruộng bậc thang ở Sa Pa thì đã được tôn vinh như thế nào? Nguyện vọng cũng như kế hoạch của địa phương?

Ruộng bậc thang ở Sa Pa rất đẹp. Hiện nay, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đang tiến hành nghiên cứu và lập hồ sơ đề nghị được công nhận là di sản quốc gia.

Mặt khác, cũng đề xuất Cục Di sản văn hóa và cơ quan hữu quan đề nghị UNESCO công nhận cả quần thể ruộng bậc thang, bãi chạm khắc đá cổ và vườn quốc gia Hoàng Liên là di sản thế giới. Đây là một công việc khó, chúng tôi không thể trả lời ngay, mọi công việc mới đang triển khai.

Câu hỏi cuối cùng, các ruộng bậc thang ngày nay phát huy tác dụng ra sao trong sản xuất nông nghiệp? Liệu nó còn ưu việt đối với nghề nông hiện đại?

Các ruộng bậc thang là sự ứng xử của người Mông, người Dao, người Giáy với loại hình canh tác trên đất dốc. Ruộng bậc thang là thành tựu cả về mặt văn hóa lẫn tri thức dân gian, đã phát huy tác dụng, tạo ra sản xuất lúa nước ở vùng cao. Nhờ có sản xuất lúa nước nên năng suất cao hơn sản xuất lúa cạn (lúa nương), vì vậy tạo ra sự ổn định về lương thực, nâng cao đời sống của người dân vùng cao.

Bảy ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới gồm: Banaue (Philippines); Yuangyang (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc); Ubud (Bali, Indonesia); Annapurna (Nepal); Mae Rim (Chiang Mai, Thái Lan); Sa Pa (tỉnh Lào Cai, Việt Nam) và Long Ji (Quế Lâm, Trung Quốc)./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục