Để nguồn trí thức Việt kiều không mãi là tiềm năng

Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài được đánh giá là nguồn lực rất dồi dào, đa dạng trong nhiều lĩnh vực, có chuyên môn cao.

Nhưng trên thực tế, việc thu hút nguồn lực này còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng mà nguyên nhân, theo nhiều trí thức Việt kiều, lâu nay khi nhắc đến kiều bào, chúng ta vẫn chỉ mới để ý nhiều đến thu hút đầu tư, kiều hối mà chưa thật sự chú trọng đến những việc làm cụ thể để thu hút nguồn chất xám của đội ngũ trí thức hùng hậu này.
Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài được đánh giá là nguồn lực rất dồi dào, đa dạng trong nhiều lĩnh vực, có chuyên môn cao.

Nhưng hiện nay việc huy động, tận dụng nguồn “tài nguyên” này vào sự phát triển của đất nước vẫn còn nhiều hạn chế.

Từ thực tế này, trong khuôn khổ Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ 2 diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 26 đến 30/9, Ủy ban Nhà nước người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị chuyên đề “Trí thức Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước - Từ tiềm năng đến hiện thực.”

Hơn 400.000 chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài

Ông Trần Tuấn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ Kinh tế, Khoa học và công nghệ, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao cho biết hiện có gần 400.000 chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, chiếm hơn 10% trong cộng đồng hơn 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ từ đại học trở lên và các chuyên gia có kỹ thuật, tay nghề cao, tập trung ở các nước phát triển, tiên tiến.

Trong hầu hết các ngành và lĩnh vực mũi nhọn, dự án công nghệ cao, từ điện tử, sinh học, vật liệu mới, năng lượng mới, tin học đến hành không, vũ trụ, hải dương đều có chuyên gia người Việt Nam làm việc.

Điển hình như tại Silicon Valey ở Mỹ hiện có khoảng 10.000 người Việt Nam làm việc, trong đó có nhiều doanh nghiệp nhỏ do người Việt làm chủ hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao.

Cùng với đó, thế hệ trí thức trẻ người Việt Nam ở nước ngoài cũng không ngừng lớn mạnh. Đội ngũ các nhà khoa học trẻ gốc Việt đang trưởng thành và tập trung ở nhiều lĩnh vực khoa học chuyên ngành và kinh tế mũi nhọn của nước sở tại như công nghiệp điện tử, thông tin, chế tạo máy, điều khiển học, công nghệ sinh học, khoa học vũ trụ, công nghệ nanô, các lĩnh cực quản lý kinh tế, ngân hàng, chứng khoán…

Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đây là nguồn lực tiềm năng có thể đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế, giúp Việt Nam tiếp thu nhanh chóng các công nghệ mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, tạo dựng quan hệ hợp tác với các cơ sở kinh tế, khoa học ở các nước.

Trong thời gian qua, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đem lại những kết quả đáng khích lệ, số lượng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung trở về nước hoạt động, kinh doanh ngày càng nhiều.

Hàng năm có gần 300 lượt trí thức kiều bào về nước đóng góp chuyên môn và tham gia các chương trình hợp tác nghiên cứu và triển khai khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, phần lớn theo hình thức công tác ngắn ngày. Số lượt chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc với cơ quan nhà nước chiếm 55%; còn lại là tham gia giảng dạy và hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu...

Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài còn hạn chế

Từ thực tế trên cho thấy, việc thu hút nguồn lực chất xám từ trí trức Việt kiều của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng.

Theo nhiều trí thức Việt kiều, lâu nay khi nhắc đến kiều bào, chúng ta vẫn chỉ mới để ý nhiều đến thu hút đầu tư, lượng kiều hối lớn mà chưa thật sự chú trọng đến những việc làm cụ thể để thu hút nguồn chất xám của đội ngũ trí thức hùng hậu Việt kiều.

Giáo sư Hà Tôn Vinh, Việt kiều Mỹ, Chủ tịch và Tổng Giám đốc Tổ hợp giáo dục, đào tạo và tư vấn quản lý Stellar Managemet chia sẻ kinh nghiệm từ các nước trong khu vực châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc... có nhiều kiều bào, từ đó cho thấy trí thức hải ngoại đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của họ.

Sau gần 40 năm thống nhất, đến bây giờ Việt Nam vẫn còn đặt những câu hỏi và thảo luận vấn đề mời gọi và đóng góp của trí thức hải ngoại cho sự phát triển đất nước là quá chậm. Thực lực của người Việt Nam ở nước ngoài rất lớn nhưng cách làm của Việt Nam chưa ổn lắm.

Về vấn đề này, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng thừa nhận việc tạo môi trường, điều kiện phù hợp để tri thức kiều bào về đóng góp xây dựng đất nước còn nhiều hạn chế; một số bộ ngành, địa phương chưa thực sự nhận thức và quan tâm đúng mức đến thu hút và tạo điều kiện để chuyên gia, trí thức về hoạt động. Một số nơi còn thiên về khai thác năng lực kinh tế của doanh nhân kiều bào hơn là nguồn lực trí tuệ của chuyên gia, trí thức.

Để khơi thông và tạo điều kiện cho nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, theo nhiều kiều bào, cùng với những chính sách, chủ trương chung, Việt Nam còn cần phải có những hành động, việc làm cụ thể, phù hợp với thực tế hơn.

Ông Phạm Nam Kim, trí thức kiều bào ở Thụy Sĩ, thẳng thắn cho biết Việt kiều trí thức luôn một lòng một dạ với đất nước, chỉ cần một môi trường làm việc thuận lợi để có thể phát huy được những hiểu biết của mình một cách tối đa cho đất nước.

Chúng tôi mong muốn bỏ ra hình ảnh Việt kiều gắn liền với đôla, gắn liền với lượng kiều hối, với đầu tư để chỉ giữ hình ảnh của những người Việt, khi trở về muốn mang những gì đã học và phát huy được ở nước ngoài áp dụng ở nước nhà.

Với kinh nghiệm 30 năm làm việc tại nhiều nước châu Á, giáo sư Hà Tôn Vinh cho rằng để mời gọi trí thức đóng góp cho đất nước, cần có quyết tâm mời gọi trí thức tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở các cấp đại học và sau đại học; thành lập các trung tâm đào tạo, các dự án, công trình nghiên cứu.

Cùng với đó, phải chính sách mời gọi rõ ràng, có thể mời một số trí thức Việt kiều có tiếng, có công trình nổi bật về tham qua du lịch trước khi về sống và làm việc; tạo nhiều câu chuyện thành công do trí thức Việt kiều tạo nên trong nước.

Theo nhiều Việt kiều, trí thức nào cũng mong muốn và sẵn sàng đóng góp tài năng và sức lực cho quê hương và đất nước. Tuy nhiên, phía các nhà lãnh đạo và quản lý trong nước cần phải có các hành động cụ thể thông qua việc thể hiện đồng bộ quyết tâm chính trị của lãnh đạo, kèm theo một chính sách tích cực mời gọi và sử dụng hợp lý trí thức hải ngoại và cam kết đầu tư tài nguyên và đãi ngộ hợp lý các cá nhân và các công trình nghiên cứu dài hạn.

Tiến sỹ Dương Văn Quả, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, cho rằng hơn bao giờ hết, Nhà nước sớm có chủ trương tích cực kêu gọi sự đóng góp các trí thức Việt kiều, cần có chính sách đãi ngộ đúng đắn để các trí thức có thể đóng góp cao nhất trí tuệ cũng như năng lực của mình vào sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước, tạo thành một trong các lực lượng chủ lực, then chốt tạo nên động lực thúc đẩy để công nghiệp hóa đất nước sớm sánh vai cùng các nước tiên tiến trên thế giới.

Ông Trần Tuấn Dũng cho rằng công tác thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cần có một chiến lược ổn định và lâu dài, có sự phối hợp của nhiều bộ, ban ngành, chức năng...

Để khắc phục những hạn chế hiện nay, các cơ quan trong nước cần sớm hoàn chỉnh và xây dựng mới hệ thống chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước.

Tổ chức các đầu mới tập hợp thông tin và hỗ trợ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về nước đóng góp và thành lập nhóm chuyên gia, trí thức đầu ngành ở từng lĩnh vực quan trọng.

Bên cạnh đó, cần xác định nhu cầu, lĩnh vực cần ưu tiên vận động, khuyến khích chuyên gia kiều bào; xây dựng một số chương trình thí điểm trong lĩnh vực khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo (hai lĩnh vực kiều bào quan tâm) có sự tham gia của trí thức kiều bào từ đó điều chỉnh, hoàn thiện chính sách./.

Hoàng Anh Tuấn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục