Đề thi môn văn gây nức lòng và tạo xúc động cao

Đề thi văn tốt nghiệp THPT được đông đảo các thí sinh và thày cô giáo đánh giá là một đề thi đầy ý nghĩa, mang tính giáo dục cao.
Với trọng tâm là những điều lớn lao và tốt đẹp nhưng lại khá giản dị thấm thía trong cuộc sống, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn văn khiến cho kỳ thi đỡ căng thẳng và thực sự trở nên có ý nghĩa, đó là nhận xét của nhiều thí sinh cũng như các thầy cô giáo bậc trung học phổ thông.

Đưa hành động cứu người chết đuối vào đề thi Văn

Ngày thi đã vắng Nam

Trong khi các học sinh lớp 12 cả nước đang chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì Nguyễn Văn Nam đã hy sinh mạng sống của mình để cứu 5 em nhỏ khỏi dòng nước nguy hiểm.

Nam là tấm gương một học sinh lớp 12 ở Nghệ An quên mình cứu người. Sự việc mới xảy ra cách đây 33 ngày đã gây xôn xao dư luận và tạo được cảm kích sâu sắc trong lòng bao người. Nếu không có dòng nước hung dữ kia thì trong ngày hôm nay, Nguyễn Văn Nam cũng chính là một thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp khóa thi này, và câu làm văn nghị luận xã hội sẽ được Nguyễn Văn Nam viết trong bài thi của mình. Nhưng em không thể dự thi mà trở thành một đề thi để gần một triệu thí sinh lớp 12 năm nay lắng lòng bên trang giấy.

Với sự hy sinh quên mình cứu các bạn nhỏ khác, Nam đã trở thành một tấm gương có giá trị thức tỉnh cho những bạn cùng trang lứa đang ngồi trong phòng thi.

Cô giáo Nguyễn Bích Liên, giáo viên dạy văn trường Trung học phổ thông Hà Nội cho rằng: “Đây là một đề thi đánh động, thuyết phục cách sống vị tha quên mình cho người khác. Ra đề như vậy là một việc làm rất ý nghĩa khi mà giới trẻ thời nay quen được cưng chiều và sống có phần ích kỷ."

Còn cô giáo Lưu Thị Mai Hoa, trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú-Đống Đa thì khẳng định cái hay của đề chính là ở việc đưa ra một thông tin báo chí rất khách quan nhưng đằng sau đó ẩn chứa một yêu cầu ngầm để thí sinh đặt nhan đề cho câu chuyện thực tế đó.

Cũng theo cô Hoa, nhiều học sinh của cô cho biết rằng các em đã viết trong bài làm là câu chuyện về lòng dũng cảm, câu chuyện về phẩm chất quên thân mình vì người khác. Những tin nhắn và điện thoại gọi về cho cô giáo trong buổi trưa đều nói đề văn giàu ý nghĩa. Với học sinh, đây là loại đề không cần ôn mà viết vẫn rất hay.

Học sinh Nguyễn Phương Thảo lớp 12D9 trường Phan Huy Chú trong tin nhắn gửi cô giáo của mình đã khẳng định: “Con làm bài tốt. Đề văn cảm động quá cô ạ.”

Ở câu bàn về học sinh lớp 12 Nguyễn Văn Nam đã gây nức lòng và tạo xúc động thực sự cho những học sinh dự thi. Một bài viết đầy đủ là phải nói được về một thí sinh vắng mặt song đã làm sáng lên niềm tự hào về tấm gương biết hy sinh vì người khác.

Theo cách nhìn xuyên suốt đề văn cả ba câu thì đề năm nay đề cập đến những điều lớn lao và tốt đẹp nhưng lại khá giản dị thấm thía. Đó là hình ảnh vòng hoa trên mộ nhà cách mạng Hạ Du trong tác phẩm “Thuốc” của Lỗ Tấn, một nhà văn Trung Quốc. Chi tiết cho thấy sự thức tỉnh của lòng tri ân.

Người dân Trung Quốc sống trong thời kỳ đen tối của lịch sử khi ấy không dễ gì nhìn ra cái sai trong việc thờ ơ với người cách mạng của mình. Hạ Du bị chết chém, người ta còn theo tin đồn đi mua bánh bao thấm máu của anh về chữa bệnh.

Mẹ Hạ Du đi thăm mộ con mà đi ba bước dừng một bước vì ngại ngần và xấu hổ khi con mình là tử tù. Thế nên bà đã bất ngờ khi trên mộ có vòng hoa khum khum, thể hiện sự biết ơn người cách mạng đã bắt đầu. Đó cũng chính là thuốc chữa sự xa cách giữa người cách mạng và dân chúng. Nếu mỗi người hy sinh vì tự do, công bằng cho xã hội mà không được ghi nhận biết ơn thì đến bao giờ mới có được tương lai tươi sáng?

Đề văn "dễ thở" và phân hóa trình độ

Khi phóng viên trao đổi cùng một số cô giáo dạy văn thì được biết, ở câu 3 khi được chọn 3a và 3b thì nhiều học trò sẽ chọn phân tích tâm lý và hành động của nhân vật Mị trong đêm mùa Xuân muốn đi chơi và bị trói trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ.”

Sở dĩ nhiều em thích làm bài này vì có thể dồi dào chữ nghĩa khi đi vào phân tích các lần tiếng sáo H’Mông đã tác động đến nhân vật Mị. Đối với các em, khi phân tích văn xuôi mang tính chất câu chuyện kể thì dễ làm hơn là thơ ca.

Nổi bật ở nội dung cần phân tích này là sức sống tiềm tàng trong Mị. Cho dù nỗi khổ của người dân nghèo vùng cao cần được phân tích nhưng trên tất cả lại là cảm hứng lãng mạn, bứt phá khỏi hoàn cảnh.

Cho dù bên cạnh giá trị nhân đạo ấy thì hiện thực phũ phàng đã trói lấy thân phận của Mị như dây trói mà A Sử tàn nhẫn đã trói thít lên cơ thể cô. Sự sâu sắc cần có ở phần cuối của bài phân tích.

Nhưng dù học không thực giỏi, văn không thực hay thì học trò năm nay cũng có một đề văn dễ thở. Đạt trung bình không khó, nhưng vì đề có tính phân hóa trình độ, nên để đạt điểm cao thì thí sinh phải có tầm suy luận và sức thuyết phục trong hành văn.

Được biết, câu 3b cũng được không ít học sinh chọn. Đó là phân tích 12 câu thơ trích từ đoạn trích “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Những câu thơ được viết trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ với một cảm hứng tràn đầy tự hào về đất nước.

Đất nước bình dị “Đất là nơi anh đến trường/ Nước là nơi em tắm…” cho đến cảm hứng hướng về nguồn cội: “Lạc long Quân và Âu Cơ/ Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng.”

Điều quan trọng là cách cảm nhận về đất nước vừa bình dị và vừa lớn lao giữa không gian địa lý, trong chiều dài lịch sử. Để rồi mỗi người sẽ ý thức về bổn phận, rằng mình sẽ góp sức mình thế nào cho đất nước, để “Làm nên Đất Nước muôn đời.”

Học sinh đang làm bài thi nhưng chính là đang tự tham gia quá trình được giáo dục rất tự nhiên, ý nghĩa.

Tựu chung lại, ngày thi đầu tiên đã qua với suy nghĩ chung của thầy cô, thí sinh và các bậc phụ huynh là kỳ thi nghiêm túc nhưng không quá căng thẳng vì đề thi vừa sức, có ý nghĩa sâu sắc mà mang tính giáo dục cao. Từ đó có thể hy vọng về mùa thi “đầu xuôi đuôi lọt” cho các sĩ tử hầu hết sinh năm 1995 này.

Đề nghị xét tốt nghiệp đặc cách cho em Nam


Cô giáo Nguyễn Bích Liên, Hà Nội cho biết cô cùng một số thầy cô giáo ở Hà Nội đã có ý kiến mong rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể xét tốt nghiệp đặc cách cho Nguyễn Văn Nam. Tuy Nam đã không còn nhưng việc vinh danh em có ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc cho thế hệ trẻ hôm nay. Nguyễn Văn Nam không dự được kỳ thi này nhưng những gì mà em đã làm cho năm bạn nhỏ khác là vô cùng ý nghĩa.

Người học sinh dũng cảm ấy đã hy sinh thân mình để năm bạn nhỏ tiếp tục được đến trường, đến với những kỳ thi để bước vào đời. Nguyễn Văn Nam tuy không thể dự thi nhưng nếu nói về phẩm chất để đỗ tốt nghiệp phổ thông thì em học sinh lớp 12T7 trường Trung học phổ thông Đô Lương, Nghệ An ấy hoàn toàn xứng đáng./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục