Đề thi sử tiếp tục hướng về biển đảo, thí sinh hào hứng

Bước ra khỏi phòng thi môn lịch sử, nhiều thí sinh thở phào nhẹ nhõm vì làm khá tốt bài thi. Theo các em, đề thi được thiết kế sát với chương trình học, tập trung vào những sự kiện lớn.
Đề thi sử tiếp tục hướng về biển đảo, thí sinh hào hứng ảnh 1Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
 

Bước ra khỏi phòng thi môn lịch sử chiều 2/6, nhiều thí sinh thở phào nhẹ nhõm vì làm khá tốt bài thi. Theo các em, đề thi được thiết kế sát với chương trình học, tập trung vào những sự kiện lớn, không bất ngờ, nhưng cũng có khả năng phân loại thí sinh khá cao.

"Chúng em có thể bày tỏ quan điểm..."

Đề thi môn lịch sử gồm ba câu. Câu một hỏi về cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, câu hai yêu cầu nêu các bài học của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Câu thứ 3 gồm hai phần. Phần (a) hỏi về các nguyên tắc hoạt động của Liên hợp quốc. Phần (b) yêu cầu thí sinh giải thích tại sao Liên hợp quốc xác định một trong các nguyên tắc hoạt động là giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, từ nguyên tắc này, hãy liên hệ với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam hiện nay.

Là một trong hơn 20 thí sinh đăng ký thi môn lịch sử tại trường Trường trung học phổ thông Trần Phú, em Nguyễn Vân Hà tỏ ra hào hứng hơn với câu cuối cùng của đề thi.

Cô học sinh lớp 12 cho rằng, những câu hỏi liên quan tới chủ quyền biển đảo bám sát những vấn đề thời sự hiện nay. Điều này giúp thí sinh tiết kiệm nhiều thời gian học thuộc bởi những thông tin về biển, đảo có rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng và gần gũi hơn là trong cả những cuộc trò chuyện của những người trong nhà.

"Em không thi khối C nhưng với đề thi nhìn chung là khá cơ bản này, em mong mình được khoảng 7 điểm," Hà nói.

Chung niềm hứng thú về câu hỏi liên hệ về chủ quyền biển đảo, Trần Châu Giang, thí sinh cùng điểm thi này cho rằng, đề thi năm nay vẫn có "đất" để những học sinh khá, giỏi thể hiện năng lực của mình.

Theo Giang, câu hỏi về vấn đề giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình là một ví dụ như thế. Thí sinh không những phải nắm rõ ý chính đã được ôn tập mà phải tự liên hệ với kiến thức của bản thân, tránh việc chỉ nêu vấn đề một cách hời hợt, chủ quan.

Có cảm nhận giống Châu Giang, thí sinh Trần Hồng Ngọc cho rằng, đề thi năm nay vừa sức, tạo được sự kết hợp của hai yếu tố “hiểu” và “biết” lịch sử, để thí sinh tránh được việc “học vẹt.” Mục tiêu vận dụng kiến thức vào những liên hệ thực tế cũng có thể thấy rõ ở ý (b) của câu hỏi số 3. Bởi vậy, thí sinh hứng thú hơn.

“Khi đó, nội dung sẽ đỡ bị khô cứng, bó buộc bởi những con số, sự kiện… Chúng em có thể bày tỏ quan điểm cá nhân, cách hiểu của bản thân về vấn đề, sự kiện,” Hồng Ngọc bày tỏ.

Theo Hồng Ngọc, những kiến thức mà em vận dụng vào làm phần liên hệ là những thông tin em đọc được từ sách báo, cập nhật từ các chương trình thời sự…

Đề thi sử tiếp tục hướng về biển đảo, thí sinh hào hứng ảnh 2Giám thị gọi thí sinh vào phòng thi trong buổi thi môn văn. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
 

Đề thi vừa sức

Hứng thú với câu số 3 của đề thi, các thí sinh cũng nhận định đề năm nay vừa sức, vừa cần kiến thức học thuộc, vừa cần sự tư duy.

Thí sinh Hoàng Giang (trường Trung học phổ thông Việt Đức) chia sẻ, ngay khi kết thúc bài thi môn ngữ văn buổi sáng, em đã tranh thủ ôn lại những mốc lịch sử lớn, những ý chính của các chủ đề ôn tập.

Giang kể, khi chuẩn bị vào phòng thi, một số bạn cảm thấy khá căng thẳng vì cả trường chỉ có 27 thí sinh đăng ký thi môn lịch sử. “Tuy nhiên, cảm giác đó qua nhanh,” cô học trò này nói.

“Theo em, tâm lý bình tĩnh là rất quan trọng. Vào phòng thi, nếu bị rối trí, thí sinh rất có thể sẽ quên hết những kiến thức đã học hoặc nhầm lẫn các sự kiện, nhân vật theo kiểu ‘râu ông nọ cắm cằm bà kia’,” Giang vui vẻ nói.

Bên cạnh đó, Giang cũng cho rằng, đề thi năm nay không quá dài. Một số bạn trong phòng thi của Giang hoàn thành bài thi trước thời gian quy định khoảng 15 phút. Bản thân Giang cũng đủ thời gian để đọc, soát lại bài kỹ càng trước khi nộp.

Với hai câu hỏi đầu tiên, đa phần thí sinh đều làm rất tốt vì đây là dạng câu hỏi mẫu và thường được giáo viên dự đoán trong các kỳ thi nên thí sinh không khó để giành điểm cao cho những câu hỏi này.

Nhận định về hai câu hỏi đầu của đề thi, thí sinh Trần Châu Giang cho rằng, câu hỏi số 2 về nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng cần tư duy khá cẩn thận trước khi đặt bút viết bài bởi đây là nội dung khá rộng.

Đây cùng chia sẻ của em Nguyễn Vân Hà, Hội đồng thi trường Trung học phổ thông Trần Phú (quận Hoàn Kiếm). Theo Hà, đề thi năm nay không quá dài và thậm chí có 2/3 câu nằm trong tầm ngắm ôn luyện của trọng điểm. Câu 1 điểm về cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng khá đơn giản và chỉ cần gạch đủ những ý lớn là đã dễ dàng kiếm khoảng 3/4 điểm.

Như vậy, các thí sinh đã hoàn tất môn thi cuối cùng của ngày hôm nay, ngày thi thứ nhất, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014. Sáng mai, ngày 3/6, các em sẽ thi môn toán. Đây là môn thi bắt buộc đối với tất cả các thí sinh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục