Đề Toán khó hơn mọi năm, cuộc đua bắt đầu căng

Tuy "vạn sự khởi đầu nan" nhưng bài thi đầu tiên không tốt lắm thì sức ép điểm số sẽ dồn vào hai môn sau. Cuộc đua bắt đầu căng thẳng.
Từ cổng trường thi cuối giờ thi toán đến buổi chiều thi vật lý, trên gương mặt học trò vẫn có vẻ đăm đăm chiêu chiêu. Lắng nghe cũng khó thấy thí sinh nói những câu phấn khởi và bạo miệng là đề toán dễ. Có lẽ đề bài đã là thử thách "đủ tầm" với kỳ thi tuyển sinh đại học!

Phóng viên Vietnam+, đã có cuộc phỏng vấn về đề toán của đợt thi thứ nhất này cùng các thầy, cô giáo dạy môn toán ở Hà Nội.

Có câu học sinh giỏi cũng bối rối


Thầy giáo Hà Xuân Nhâm - Phó hiệu trưởng phụ trách môn toán của Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) đã nhận định về đề toán khối A năm 2011.

Theo thầy giáo rất có kinh nghiệm luyện thi này: “Nhìn chung đề toán năm nay để đạt được điểm cao khó hơn năm ngoái. Theo tìm hiểu của tôi và đồng nghiệp thì không có học sinh ra sớm.”

Cầm đề trong tay, thầy Nhâm đưa ra các nhận xét khá cụ thể: “Trong đề có nhiều câu hỏi tổng hợp với những kiến thức rất khác nhau. Đó là trường hợp ý 2 của câu 1 hay ý 2 của câu 2. Ớ câu hệ phương trình này yêu cầu phân loại trình độ thí sinh khá cao.

Về câu hỏi số 5 khiến học sinh ra khỏi trường thi “lắc đầu, lè lưỡi", thầy Nhâm nói: Câu này thường dành cho học sinh giỏi với mục đích phân loại học sinh nhưng năm nay, câu này rất khó. Học sinh giỏi có thể cũng bối rối."

Nhận định về cách chọn đề khi làm bài của thí sinh, thầy giáo Hà Xuân Nhâm khẳng định: học sinh dễ chọn chương trình chuẩn hơn chương trình nâng cao. Vì ở đề của chương trình nâng cao có câu hỏi kiến thức elip từ lớp 10, học sinh ít được luyện nên các em sẽ chuyển sang làm đề kia.

Đúng đặc thù của môn Toán


Trao đổi với phóng viên Vietnam+, cô giáo Bùi Thu Cúc - Giáo viên dạy toán có uy tín của Trường Trung học phổ thông Hà Nội (Hà Nội) đã đưa ra ý kiến của mình.

Cô Cúc nhìn nhận: “Đề nói chung là cơ bản nhưng đòi hỏi tư duy và kỹ năng nhiều. Nếu làm không cẩn thận, chặt chẽ, tôi nhấn mạnh từ chặt chẽ thì thí sinh khó được điểm tối đa ở mỗi câu.”

Cô Cúc phân tích rằng: "Thí sinh có thể tưởng là làm được nhưng lại không biết được mình sẽ có thể bị trừ điểm chỗ nào. Ví dụ như câu giải hệ phương trình nếu không có kỹ năng tính toán thì sẽ làm rất lâu, và cũng dễ bị mất điểm. Câu 5 thì học trò hiếm gặp nên việc thí sinh không làm được, đành chịu để mất một điểm sẽ phổ biến."

“Đề đúng đặc thù của môn toán. Đó là từ cái cơ bản mà có những bất ngờ. Tôi nghĩ học sinh đều có cảm giác làm được và thấy đề gần gũi. Tuy nhiên thực tế nghĩ là quen mà vẫn thử thách khả năng tính toán. Mới nhìn đề thì thấy cũng như mọi năm nhưng phải là học sinh được rèn nhiều và có kỹ năng giải bài nhanh mới yên tâm có điểm tốt được. Đó chính là cái hay của môn toán," cô Cúc cho biết.

Từ những nhận định trên, cô Bùi Thu Cúc cho rằng, học sinh học khá môn toán ở trường phổ thông cũng chỉ đạt 6 đến 7 điểm.

Từ ý kiến của hai thầy cô trên có thể thấy, học sinh học không chắc giỏi mà thi vào những trường top đầu thì sau môn thi đầu tiên sẽ khá căng thẳng. Nếu điểm cần cho mỗi môn thi là 8 điểm thì sau môn toán, cuộc đua đã bắt đầu… chới với./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục