Đề văn của cả hai khối C, D được đánh giá là hay

Môn văn đã kết thúc từ buổi thi sáng nhưng nhiều giáo viên và thí sinh vẫn bàn luận và tâm đắc vì đề ra khá thú vị, nhất là câu nghị luận xã hội.
Môn văn của đợt thi thứ hai đã kết thúc sáng nay với cảm nhận chung của thí sinh là đề không quá khó. Nhiều em cùng chung nhận định với các giáo viên dạy môn văn là đề ra khá thú vị và nằm trong chương trình ôn tập.

Câu nghị luận xã hội của cả hai khối đều hay


Không phải do học tủ mà thường thí sinh chuẩn bị “đón” yêu cầu của câu nghị luận văn học trong đề là phân tích hoặc đối chiếu các nhân vật trong các tác phẩm văn xuôi của chương trình văn học lớp 12. Thế nhưng câu hỏi chiếm 5 điểm của đề khối D lại đưa ra tác phẩm “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam trong chương trình lớp 11 và đề khối C là tác phẩm “Chữ người tử tù” của nhà văn Nguyễn Tuân cũng thuôc jchường trình lớp 11.

Phần thuộc về chương trình lớp 12 lại là các đoạn thơ trong bài thơ “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan viên (khối D) và đoạn trích “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm (khối C).

Các thí sinh dựa vào đoạn thơ đề cho sẵn cũng có thể phân tích được nếu chọn đề thơ nhưng dù sao phân tích thơ cũng không phải là “thế mạnh” của hầu hết học trò. Việc nhấn trúng được những ý chính và khai thác nghệ thuật thơ thật chuẩn xác theo một đáp án nào đó luôn là thử thách với các em.

Thí sinh Phạm Ngọc Trang (thi vào Viện Đại học Mở Hà Nội) nói: “Mới xem đề, em thấy 'choáng' vì bài “Hai đứa trẻ” học từ lớp 11 và khi ôn cũng không được kỹ lắm nhưng khi nhớ lại lời giảng của cô giáo, nhớ lại tác phẩm với hai nhân vật Liên và An chờ những chuyến tàu đêm thì em có cảm hứng. Cuối cùng em làm bài khá ưng ý nhưng em không dám nói rằng sẽ được đánh giá điểm cỡ nào.”

Về câu nghị luận xã hội, theo cô giáo Nguyễn Bảo Nhung, trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Hà Nội: “Câu  2 cảu cả 2 khối đều hay, đề có định hướng rõ ràng. Ý kiến đưa ra không hề đánh đố khiến học sinh muốn bàn theo hướng nào thi bàn. Giá trị giáo dục của đề đã thể hiện ngay trong khi thí sinh lập luận để làm sáng tỏ nhận định.”

Cô Nhung nhận định cụ thể:  "Với yêu cầu nêu bình luận và suy nghĩ về ý kiến 'Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích.' (đề khối D) và 'Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn.' (Đề khối C) cho thấy cách hỏi có điểm chung của hai đề là đặt ra hai “nấc” trong bàn luận. Vấn đề đệm và vấn đề cần khắc sâu.

Tuy nhiên cô Nhung cũng nêu gợi ý thí sinh cần bình luận đó là ý kiến đúng, sau đó đi vào từng phần. Cụ thể như đơn vị kiến thức số 1 là “người nổi tiếng” (khối D) và “tự hào về bản thân” (khối C) để làm rõ cái hay cũng như sự hạn chế rồi đi sâu vào đơn vị kiến thức cần làm rõ thứ hai (vốn quan trọng hơn trong bài làm) là “người có ích” ( với đề khối D) và “biết xấu hổ” ( trong đề khối C).

Đề khối D có giá trị phân loại hơn cả đề khối C

Trả lời câu hỏi của phóng viên Vietnam+, cô giáo Vũ Thị Bình, trường trung học phổ thông Trần Phú-Hoàn Kiếm, Hà Nội rất phấn khởi nói: “Khi đọc đề học sinh ra khỏi phòng thi mang tới, tôi thấy nhẹ cả người vì đỡ lo cho học trò. Các bài đều nằm trong chương trình ôn. Và cá nhân tôi khi dạy thì rất tâm đắc với bài ‘Hai đứa trẻ’ và ‘Chữ người tử tù’ nên dù là chương trình lớp 11 nhưng tôi cũng đã khắc sâu cho học trò."

Thí sinh Nguyễn Mạnh Cường (Hà Nội) cho biết: “Em đã không gặp được những nội dung ôn tốt nhất của mình nhưng bài được hỏi là bài khá hay em cũng làm được hết 3 tờ giấy thi. Và em khá tự tin vì mình đã rất chủ động và có cảm hứng viết bài.”  

Cô giáo Nguyễn Băng Tú- trường trung học phổ thông Kim Liên, Hà Nội cho biết: "Dù thí sinh hay chú trọng tác phẩm văn trong chương trình lớp 12 nhưng những tác phẩm văn lớp 11 được đưa vào đề cả khối C và D đều khá quan trọng trong nội dung ôn tập. Chỉ có chuyện thí sinh không đủ thời gian ôn chứ không có chuyện thí sinh loại trừ các tác phẩm này."

Tuy nhiên cũng theo cô giáo Tú thì đề thi văn của khối C không khó hơn đề văn khối D như thường thấy.  Vì thí sinh thi khối C thường có yêu cầu về "chất văn" hơn. Bởi ba môn văn, sử, địa mà các em chọn đều là môn xã hội và có giá trị hỗ trợ nhau.

"Đề văn khối D hỏi về chất trữ tình trong văn xuôi Thạch Lam thể hiện trong bài “Hai đứa trẻ” chính là bước phân loại, phân hoá trình độ thẩm văn và trình bày thuyết phục của thí sinh.Với những em có 'chất văn' thì vào bài này chính là gặp 'đất' để thể hiện khả năng cảm thụ của mình với truyện ngắn mang chất trữ tình đượm buồn này," cô Tú nói.

Còn về câu hỏi 2 điểm (câu 1) trong đề của cả hai khối thì được các cô giáo dạy văn coi là câu ít được bàn đến sau buổi thi vì đều vừa sức và kết hợp tốt được kiến thức tái hiện (học thuộc) và kiến thức tinh lọc (khắc sâu).

Đề khối C hỏi về ý nghĩa của việc Hồ Chủ tịch đã trích dẫn hai bản tuyên ngôn của Mỹ và Pháp khi mở đầu bản “Tuyên ngôn độc lập” người viết năm 1945. Câu của đề khối D hỏi về những phương tiện giàu tính dân tộc trong đoạn trích “Việt Bắc” của nhà thơ Tố Hữu. Với các cô giáo thì ai dạy bài "Tuyên ngôn độc lập" và bài "Việt Bắc" cũng giảng kỹ những nội dung khá cơ bản này của bài./.  

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục