U19 Việt Nam dự SEA Games?

Đề xuất để U19 Việt Nam đá với đội U23 là "ác độc"

Tâm thư của một người hâm mộ gửi các nhà quản lý bóng đá, trong đó không đồng ý với đề xuất cử đội U19 Việt Nam dự SEA Games 27.
Lời tòa soạn: Sau chiến công của đội U19 Việt Nam ở vòng loại giải châu Á, làng bóng đá những ngày qua thực sự sôi sục với đề xuất cử đội U19 dự SEA Games 27 thay cho đội U23 của một huấn luyện viên có tiếng. Đã có rất nhiều tranh cãi xung quanh đề xuất này, giữa một bên là phe phản đối, một bên là phe ủng hộ.

Vietnam+ xin giới thiệu lá thư của một bạn đọc tại Hà Đông, góp ý về vấn đề gây tranh luận nóng bỏng này.

Tôi là một người hâm mộ nhiệt thành của bóng đá Việt Nam nhiều năm qua, đã từng khóc khi đội nhà thua trận ở những kỳ SEA Games hay AFF Cup ngày nào, từng có cảm giác chán bóng đá khi đội tuyển thất bại ở những giải đấu khu vực gần đây.
Nhưng niềm vui với trái bóng tròn đã thực sự quay trở lại khi tôi được chứng kiến màn trình diễn tuyệt vời của các cầu thủ trẻ U19 Việt Nam ở vòng loại U19 châu Á, đặc biệt trong chiến thắng 5-1 trước Australia. Phải nói là lâu lắm rồi tôi mới được chứng kiến một lứa cầu thủ có kỹ thuật và tư duy chơi bóng tốt đến vậy. Và trên hết là tinh thần “quyết thắng” cũng như sự hồn nhiên, không toan tính của các em, điều mà tưởng như đã mất ở đấu trường V-League có quá nhiều tiêu cực. Nhưng dù có yêu đội U19 Việt Nam đến mấy, hâm mộ mô hình đào tạo của "bầu Đức" đến mấy thì tôi cũng không đồng tình với quan điểm đưa đội bóng này dự SEA Games 27 vào cuối năm nay thay cho đội U23 của huấn luyện viên Hoàng Văn Phúc. Không phải vì điều đó là bất công cho các cầu thủ U23, đã tập trung và miệt mài tập luyện suốt thời gian qua để chuẩn bị cho SEA Games, mà vì nếu làm vậy là chúng ta sẽ góp phần khiến những Công Phượng, Văn Toàn…có nguy cơ thui chột do bị “ép chin” quá sớm. Một sự so sánh hơi khập khiễng, song thực sự là các cầu thủ U19 làm tôi liên tưởng tới tài năng trẻ Adnan Januzaj của Manchester United, người vừa lập cú đúp vào lưới Sunderland tuần trước. Tôi có đọc báo Anh thì được biết, sau trận đấu đó, cả đội tuyển Anh lẫn đội tuyển Bỉ đều muốn gọi Januzaj lên tuyển. Thế nhưng, M.U đã từ chối vinh dự đó, bởi nếu làm vậy thì chẳng khác nào đặt gánh nặng kỳ vọng quá lớn lên vai một cầu thủ mới 18 tuổi như Januzaj. M.U nói riêng cũng như thế giới bóng đá đã có quá nhiều trường hợp “chín ép” như thế, để rồi sau đó cứ thui chột dần. Công Phượng hay Văn Toàn cũng trạc độ tuổi như Januzaj. Nhưng nếu ít ra Januzaj còn được các đàn anh như Robin van Persie hay Wayne Rooney dìu dắt, thì đa phần các các cầu thủ U19 Việt Nam vẫn chưa từng bước qua cánh cửa học viện HA.GL JMG, trừ những lần ra nước ngoài thi đấu như vừa rồi. Tôi rất tâm đắc ý kiến của các chuyên gia như cựu danh thủ Đặng Gia Mẫn hay huấn luyện viên Hoàng Văn Phúc, rằng các cầu thủ U19 rất đáng khen, song hãy để cho họ phát triển tự nhiên, chứ không nên đẩy họ vào một đấu trường khắc nghiệt như SEA Games. ["Chưa thắng Indonesia thì sao có thể dự SEA Games"] Ông Mẫn ví von rất hay khi nói rằng đến U19 Indonesia đội còn chưa thắng được, nói gì tới các đội U23 trong khu vực, vốn thi đầu già dặn, đầy tiểu xảo như Thái Lan hay Malaysia. Mà trong bóng đá trẻ ở độ tuổi đôi muơi thì cách nhau 1-2 tuổi cũng đã là một trời cách biệt rồi nói gì đến chuyện so sánh U19 và U23. Do đó, theo tôi thì việc ai đó đề xuất tổ chức một trận đấu giữa U19 Việt Nam và U23 Việt Nam, xem đội nào thắng thì chọn đi SEA Games là một ý tưởng tồi, thậm chí là “độc ác”. Bởi nó không chỉ bơm vào đầu các cầu thủ trẻ U19 ảo tưởng về bản thân mà còn khiến cả đội U19 lẫn U23 đều phải chịu áp lực nặng nề. U19 sẽ phải gánh áp lực thành tích, còn U23 sẽ không thực sự thoải mái khi đi dự SEA Games, vì sẽ có nhiều người cho rằng họ không xứng đáng đại diện cho bóng đá Việt Nam tranh tài ở đấu trường khu vực. Tôi vẫn còn nhớ lứa U16 năm 2000 của Văn Quyến, Ánh Cường, Như Thuật, Lâm Tấn cũng đã được tung hô như U19 bây giờ, nhưng thử hỏi còn có cầu thủ nào đang trụ lại với bóng đá đỉnh cao? Bởi khi đó, người ta đã bơm vào đầu các em nhiều ảo tưởng, đặt lên vai các em nhiều gánh nặng, trong khi môi trường bóng đá “chuyên nghiệp” ở Việt Nam có quá nhiều cạm bẫy.
Đề xuất để U19 Việt Nam đá với đội U23 là "ác độc" ảnh 1
Người hâm mộ đón các cầu thủ U19 thi đấu thành công tại vòng loại giải châu Á (Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN)
Tôi vẫn hay đọc ở đâu đó, các bình luận viên viết rằng quá trình trưởng thành từ một cầu thủ trẻ tới một cầu thủ chuyên nghiệp, chứ chưa nói tới ngôi sao, là con đường rất dài. Thành công hay thất bại phải được quyết định bằng cả quãng đường chứ không thể chỉ trong vài ba trận cầu nhất định. Tuyển U19 Việt Nam, với nòng cốt là các cầu thủ từ lò HA.GL-JMG, vẫn đang được bao bọc trong một môi trường “vô trùng”. Những cậu bé của bầu Đức trưởng thành trong “bóng tối”, 7 năm mài dũa ở phố núi rồi mới dự một vài giải trẻ. Khi lên tuyển, huấn luyện viên của đội U19 cũng là thầy của họ ở của học viện HAGL-JMG - Guillume Graechen. Dĩ nhiên, họ cần được cọ xát với bên ngoài, nhưng tuyệt đối không phải là ở SEA Games. Bởi nếu thất bại, đó sẽ là một cú sốc lớn đối với các cầu thủ đang ở độ tuổi chập chững vào đời, nhất là khi họ đang gánh trên vai kỳ vọng rất lớn. Hãy để các cầu thủ U19 được sống đúng với lứa tuổi của các em. Đó là niềm mong mỏi giản dị của người hâm mộ chúng tôi gửi tới những người có trách nhiệm của bóng đá Việt Nam, tới Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ, tới ông bầu Đoàn Nguyên Đức. Xin chân thành cảm ơn./. Trần Huy Khiêm - Hà Đông, Hà Nội.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục