Đề xuất gia hạn “hàng tồn” cá tra không đáp ứng Nghị định 36

Lượng cá tra phile tồn kho không đáp ứng Nghị định 36 về nuôi, chế biến, xuất khẩu sản phẩm sau ngày 31/12 được đề xuất Chính phủ cho phép tiêu thụ đến hết năm 2015.
Đề xuất gia hạn “hàng tồn” cá tra không đáp ứng Nghị định 36 ảnh 1Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Phương VY/TTXVN)

Lượng hàng cá tra phile còn tồn kho không đáp ứng quy định tại Nghị định 36 về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm sau ngày 31/12 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất Chính phủ cho phép các doanh nghiệp được tiêu thụ đến hết năm 2015, vì việc rã đông, tái chế sản phẩm sẽ ảnh hưởng nghiên trọng đến chất lượng cảm quan, không đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp.

Theo đó, kéo dài thời gian chuyển tiếp áp dụng Nghị định 36 đến ngày 31/12/2015 nhưng với hàm lượng nước trong cá tra phile không quá 84,5% xử lý mẫu theo Tiêu chuẩn Việt Nam hoặc 85,5% xử lý mẫu theo Codex, tương ứng mức tăng trọng 30%.

Từ ngày 1/1/2016, áp dụng quy định về hàm lượng nước theo đúng Nghị định 36, theo đó 83% xử lý mẫu theo Tiêu chuẩn Việt Nam hoặc 83,6% xử lý mẫu theo Codex tương ứng với mức tăng trọng 15%.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, phương án sử dụng phụ gia để cải thiện chất lượng cảm quan tương ứng với mức tăng trọng 30% (hàm lượng nước là 84,5% xử lý mẫu theo Tiêu chuẩn Việt Nam hoặc 85,5% xử lý mẫu theo Codex) giải quyết được những khó khăn trước mắt của doanh nghiệp chế biến.

Tuy nhiên, về lâu dài, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, điều này không tạo được uy tín về sản phẩm cá tra độc đáo của Việt Nam có chất lượng cao, không ngăn chặn được hiện tượng gian lận thương mại.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, trong bối cảnh các thỏa thuận hiệp định song phương với các thị trường xuất khẩu lớn sắp được ký kết, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU, từ đầu 2015, hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường này sẽ được hưởng nhiều ưu đãi như ưu đãi về thuế.

Tuy nhiên, đồng thời với đó cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu cao theo tiêu chuẩn quốc tế như sản phẩm thủy sản bền vững, tăng các đòi hỏi về truy nguyên nguồn gốc. Mặc dù nhu cầu nhập khẩu thủy sản từ Mỹ, EU, Nhật Bản... còn rất lớn, nhưng giải pháp để cạnh tranh quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản là phải cạnh tranh bằng con đường chất lượng, hàng hóa mới duy trì được mức tăng trưởng, duy trì được hàm lượng giá trị gia tăng, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Hiện các cơ quan chức năng đã tổ chức 11 đoàn công tác đến làm việc tại các doanh nghiệp để thống kê, xác nhận lượng sản phẩm không đáp ứng quy định của Nghị định 36/2014/NĐ-CP, số liệu chính xác sẽ được tổng hợp trong ngày 31/12/2014.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu, lượng sản phẩm không đáp ứng quy định về hàm lượng nước, tỷ lệ mạ băng sau ngày 12/9 vừa qua là hơn 364 tấn.

Trong những năm gần đây, sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra đã có những biểu hiện thiếu bền vững. Các cảnh báo của thị trường nhập khẩu về chất lượng thấp, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng tăng. Đáng lưu ý là thông tin về cá tra phile có tỷ lệ mạ băng cao được đăng tải trên các báo tại Nga, Mỹ, Brazil, Italy, Tiểu vương quốc Ả rập…

Để khắc phục những bất cập nêu trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 36/2014/NĐ-CP, trong đó quy định về tỷ lệ mạnh băng không quá 10%, hàm lượng nước trong cá phile không quá 83%.

Tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước nêu trên được quy định dựa trên yêu cầu về công nghệ chế biến cá tra theo tiêu chuẩn quốc tế.

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2014, sản lượng cá tra nuôi là 1,1 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục