Đề xuất giải pháp giảm phát thải khí CO2 tại VN

Diễn đàn Kinh tế và Tài chính Việt-Pháp đưa ra các giải pháp giảm phát thải khí CO2 tại VN, song vẫn đảm bảo phát triển kinh tế.
Ngày 19/11, buổi họp báo công bố các khuyến nghị của khóa họp lần thứ 8, Diễn đàn Kinh tế và Tài chính Việt-Pháp vừa diễn ra tại tỉnh Quảng Ninh với Chủ đề “Năng lượng và phát triển bền vững” đã diễn ra tại Hà Nội.

Cuộc họp báo do hai đồng chủ tịch Diễn đàn Kinh tế và tài chính Việt-Pháp, ông Christian Jacob, Chủ tịch Ủy ban Quy hoạch và phát triển bền vững, Quốc hội Pháp và ông Nguyễn Bích Đạt, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam chủ trì.

Ông Christian Jacob cho biết, diễn đàn lần này đã đưa ra các nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm giảm phát thải khí CO2 tại Việt Nam, song vẫn đảm bảo duy trì phát triển kinh tế.

Nguồn năng lượng hóa thạch của Việt Nam có tiềm năng rất lớn, nhưng phải áp dụng các kỹ thuật mới để làm giải khí thải CO2. Nhưng do tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam thì nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân, năng lượng mới phải được quan tâm, thảo luận các phương pháp để đáp ứng được nhu cầu về năng lượng, giảm phát thải khí CO2. Cách thức tổ chức, lựa chọn mô hình đô thị hóa thích hợp cũng góp phần giảm tiêu hao năng lượng.

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Bích Đạt thừa nhận, hiện lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam rất lớn, mức tiêu thụ năng lượng cao, nếu lượng doanh nghiệp này ý thức trong việc tiết kiệm năng lượng, sử dụng công nghệ tiên tiến sẽ tiết kiệm đáng kể nguồn năng lượng, giảm phát thải khí CO2.

Bên cạnh đó, thì mô hình ủy quyền dịch vụ công của Pháp đáng được ghi nhận, theo đó, lãnh đạo thành phố có quyền ký hợp đồng với công ty, doanh nghiệp tư nhân… phục vụ các hoạt động công nếu đơn vị này sử dụng thiết bị tiết kiệm điện, đảm bảo giảm mức tiêu thụ năng lượng.

Hiện, nhu cầu năng lượng của Việt Nam đang tăng cao, dự báo tăng trưởng của ngành điện khoảng 20% mới đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế và đời sống xã hội. Nguồn năng lượng của Việt Nam chủ yếu dựa vào nguồn nguyên liệu hóa thạch như than và khí, đây là nguyên nhân làm gia tăng lượng khí CO2.

Bên cạnh đó, công nghệ khai thác, vận chuyển, chuyển hóa năng lượng Việt Nam còn hạn chế do công nghệ cũ kỹ, hệ thống chuyển tải điện có tiến bộ nhưng tổn thất truyền tải vẫn cao, nếu năm 1995 ở mức 20% thì năm 2008 vẫn là 9,35%.

Diễn đàn lần này cho thấy tầm nhìn dài hạn để nhanh chóng triển khai thực hiện những quyết định hiệu quả nhằm giảm phát thải khí CO2, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục