Đề xuất giải pháp hạn chế tác hại của lợi ích nhóm

Nhiều giải pháp được đề xuất nhằm hạn chế tác hại ở lợi ích nhóm, trong tổng thể giải pháp chống suy thoái đạo đức của đảng viên. 
Ngày 11/1, tại Hà Nội, Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Nhận diện lợi ích nhóm” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng” đã có những nhận định thẳng thắn về tình hình “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên... suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi tiền tài, kèn cựa, địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tuy tiện, vô nguyên tắc.”

Nghị quyết đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình hình trên và đề ra các giải pháp để tập trung khắc phục. Một trong những giải pháp thuộc nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng mà Nghị quyết nêu ra là “đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn.”

Do đó, hội thảo được tổ chức nhằm góp phần cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn trong giải quyết các vấn đề Hội nghị Trung ương 4 đã nêu.

Hiện nay cụm từ “lợi ích nhóm” xuất hiện với tần xuất khá nhiều, không chỉ trong các bài phát biểu của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trên các trang báo, các chuyên đề khoa học, mà trong cả suy nghĩ của từng người dân. Sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân đến hiện tượng “lợi ích nhóm” là rất lớn.

Tuy nhiên, trên thực tế chưa có nhiều bàn luận khoa học về vấn đề này. Cách hiểu và cách nhận biết về “lợi ích nhóm” chưa thống nhất, không chỉ gây khó khăn cho những người làm công tác tuyên truyền, những người làm công tác triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng Đảng trong sạch, mà còn gây nghi ngờ, bức xúc trong dân cư. Do vậy cần phải có nhận thức đúng đắn về lợi ích nhóm để tuyên truyền và thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4; nhận dạng chính xác lợi ích nhóm để có biện pháp phòng ngừa.

Tại hội thảo, các nhà khoa học tập trung trao đổi về bản chất, tác động của lợi ích nhóm đến xã hội, đất nước và phát triển kinh tế ở Việt Nam; các dạng thức biểu hiện của lợi ích nhóm và tác hại của chúng; xu hướng phát triển của các dạng lợi ích nhóm ở Việt Nam; nguyên nhân tồn tại các loại lợi ích nhóm ở Việt Nam hiện nay; lợi ích nhóm và vấn đề suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên.

Các đại biểu đề xuất các giải pháp hạn chế tác hại ở lợi ích nhóm trong tổng thể các giải pháp chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Theo một số đại biểu, để ngăn chặn lợi ích nhóm cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh công khai hóa, minh bạch hóa các hoạt động của bộ máy công quyền; tăng cường kiểm tra chéo các hoạt động công vụ nhằm ngăn chặn khả năng hình thành lợi ích nhóm; nâng cao mức lương cho công chức để họ có thể sống được bằng lương, đồng thời cần có quy định để kiểm soát, giám sát thu nhập của cán bộ, công chức; tăng cường sự giám sát của cộng đồng xã hội để phát hiện những dấu hiệu bất thường.

Đấu tranh chống lợi ích nhóm tiêu cực cần gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, với công tác chỉnh đốn, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, với tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh./.

Hương Thủy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục