Đề xuất Hát Bài chòi là Di sản Văn hóa của nhân loại

Bài chòi - loại hình văn hóa, diễn xướng dân gian ở các tỉnh Liên khu 5 cũ đang được đề xuất là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Ngày 11/9, tại thành phố Quy Nhơn, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định phối hợp với Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, đã tổ chức Hội thảo khoa học nghệ thuật Bài chòi.

Nhiều nghệ sỹ, nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực văn hóa dân gian đã đưa đến nhiều kiến giải cho loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này, nhằm hướng tới đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Xuất xứ Bài chòi

Bài chòi là loại hình sinh hoạt văn hóa, diễn xướng dân gian phổ biến ở các tỉnh Nam–Ngãi-Bình-Phú (Quảng Nam–Đà Nẵng cũ, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Khánh cũ), tức Liên khu 5 cũ và là khu vực duyên hải Nam Trung bộ hiện nay.

Trong đó đáng kể nhất là khu vực từ Nam đèo Bình Đê đến Bắc đèo Cả, cũng là địa giới hoàn toàn của 2 tỉnh Bình Định, Phú Yên. Bên trong loại hình văn hóa này chứa đựng nhiều nét đẹp văn hóa riêng biệt vùng miền và phát triển dần theo thời gian.

Giáo sư Hoàng Chương, Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cho biết: “Trò chơi đánh Bài chòi do danh nhân Đào Duy Từ dạy cho dân Bình Định lập chòi để bảo vệ nương rẫy. Những người canh chòi hát với nhau để giải trí trong lúc thức suốt đêm, dần dần phát triển lên thành trò chơi 9 chòi gọi là đánh Bài chòi, sau này phát triển thêm một bước thành hội Bài chòi, Bài chòi chiếu, Bài chòi ghế, rồi lên dàn biểu diễn và đến bước phát triển loại hình ca kịch Bài chòi hiện nay.”

Những kiến giải về xuất xứ của trò chơi dân gian Bài chòi trên được nhiều sự đồng tình bởi danh nhân Đào Duy Từ (1572–1634) là nhà văn hóa, quân sự kiệt xuất dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên; cha ông là Đào Tá Hán -một xướng ca chuyên nghiệp.

Có thể thấy Bài chòi đã ra đời cách đây vài trăm năm và phát triển trong vòng 100 năm trở lại đây, tương ứng với nghệ thuật Cải lương của Nam bộ.

Ban đầu, Bài chòi sử dụng hầu hết các làn điệu dân ca trong khu vực các tỉnh trên như cổ bản, sàng sê, xuân nữ, hò quảng, lý thương nhau, nói lối... Đến khi vở "Thoại Khanh–Châu Tuấn" của soạn giả Nguyễn Tường Nhẫn được chuyển thể từ loại hình dân gian sang ca kịch Bài chòi, Bài chòi đã có bước phát triển mới, từ diễn xướng dân gian ngoài trời bước lên sân khấu.

Bài chòi cũng kết tinh các tinh túy văn hóa dân tộc theo lịch sử và chiều dài đất nước từ Bắc vào Nam. Nó kế thừa nhiều hình thức diễn xướng dân gian khác rồi phát triển theo một hướng riêng bằng một hình thức riêng biệt.

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Giám đốc Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Cũng như Cải lương hoặc nhiều loại hình âm nhạc khác, Bài chòi kế thừa nhiều giá trị văn hóa từ các loại hình âm nhạc, làn điệu dân gian khác, nhưng đã có đặc thù riêng biệt, hoàn toàn không lẫn và có một hướng đi nghệ thuật của riêng mình.”

Bên trong 33 lá bài của Bài chòi còn thể hiện nhiều nét văn hóa các dân tộc khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng đó là sự giao lưu văn hóa, tạo nét hòa hiếu giữa người Việt với văn hóa các dân tộc Chăm, Bana...

Vào phía Nam, Phú Yên và Khánh Hòa có vai trò then chốt trong lịch sử khi lần lượt được nhà Nguyễn dựng nên 2 dinh trấn biên trước khi đặt dinh trấn biên cuối cùng tại Biên Hòa (Đồng Nai).

Chung tay để Bài chòi trở thành di sản nhân loại

Giáo sư Hoàng Chương cho rằng: “Lâu nay, Bài chòi được xem là môn nghệ thuật dân gian, nên việc tổ chức nghiên cứu khoa học về nó rất ít. Vì vậy, Bài chòi đã phát triển không theo nguyên lý, lý luận nào, những người hát Bài chòi hát dân ca nhiều hơn là hát Bài chòi. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có kế hoạch lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Bài chòi là di sản phi vật thể của nhân loại; nên Trung tâm NCBT và PHVHDT Việt Nam cùng tỉnh Bình Định từng bước thực hiện các nghiên cứu khoa học, tạo cơ sở để lập hồ sơ.”

Giáo sư Hoàng Chương nhấn mạnh không gian Bài chòi được xác định là các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ. Các nhà nghiên cứu cần thống nhất Bình Định là địa phương xuất xứ, còn đang lưu giữ tất cả các hình thức Bài chòi từ xưa đến nay và cả phát triển Bài chòi hiện đại.

Bình Định đang thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật Bài chòi. Ngoài các đơn vị, đoàn hát Bài chòi chuyên nghiệp, Bình Định có nhiều câu lạc bộ, điểm hát Bài chòi dân gian thường xuyên hoạt động.

Ông Mai Thanh Thắng - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định cho biết: “Bình Định đã và đang thúc đẩy sự phát triển của loại hình nghệ thuật này, chúng tôi đang xúc tiến việc đưa Bài chòi vào giảng dạy ngoại khóa ở các trường học, góp phần gìn giữ, phát triển loại hình này để hướng đến lập hồ sơ đề nghị Bài chòi là di sản phi vật thể của nhân loại.”

Ngày 10/9, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã thành lập Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam khu vực Nam Trung bộ tại thành phố Quy Nhơn. Đây là địa chỉ quy tụ tài năng, ý kiến để làm hồ sơ trình UNESCO bên cạnh các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc./.

Ly Kha (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục