Đề xuất lập Tổng cục Nhà ở, Thị trường bất động sản

Theo Bộ Xây dựng, Bộ vừa trình Ban cán sự Đảng Chính phủ đề xuất thành lập Tổng cục Nhà ở và Thị trường bất động sản.
Theo Bộ Xây dựng, Bộ vừa trình Ban cán sự Đảng Chính phủ đề xuất thành lập Tổng cục Nhà ở và Thị trường bất động sản.

Hiện mô hình tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về các lĩnh vực nhà ở, công sở và thị trường bất động sản trực thuộc Bộ Xây dựng là Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, mặc dù đã rất nỗ lực nghiên cứu, tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này và đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng mô hình cấp Cục không đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi rất lớn.

Cục đang phải đảm nhiệm từ việc nghiên cứu, xây dựng, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách... đến chỉ đạo triển khai các chiến lược, chương trình và đề án cấp quốc gia; đồng thời tổ chức quản lý và thực hiện các dịch vụ công ích, cho đến công tác quản trị nội bộ, quản lý quỹ nhà ở công vụ.

Mặt khác, mô hình cấp Cục cũng làm hạn chế vai trò vị thế của đơn vị trong việc hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương triển khai những chương trình, đề án cấp quốc gia về nhà ở cũng như quản lý thị trường bất động sản - một loại thị trường đặc thù, có tính liên thông cao với các loại thị trường khác và tác động đến nền kinh tế.

Trên thực tế, nhiều nước trên thế giới đặc biệt coi trọng lĩnh vực nhà ở; trong đó, một số nước có Bộ Nhà ở hoặc cơ quan quản lý nhà ở cấp Tổng cục trực thuộc Chính phủ.

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, việc thành lập Tổng cục Nhà ở và Thị trường bất động sản hoàn toàn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định, cụ thể là có đối tượng quản lý Nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội.

Cùng đó, nhà ở - công sở - bất động sản là những lĩnh vực cần có có sự quản lý tập trung, thống nhất ở Trung ương, không thể phân cấp toàn bộ cho địa phương bởi nó có mối liên hệ chặt chẽ với nhiều lĩnh vực quan trọng khác như tài chính, tín dụng, đất đai, thuế... Do đó, càng cần có sự quản lý thống nhất của cơ quan trung ương từ khâu hoạch định chính sách đến việc tổ chức triển khai thực hiện.

Đặc biệt, với những đề án mang tính quốc gia càng đòi hỏi có sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, bộ, ngành trung ương, có cơ quan đóng vai trò “nhạc trưởng” trong quá trình tổ chức, chỉ đạo, điều hành nhằm đảm bảo nhất quán khi triển khai thực hiện; đồng thời đảm bảo cân đối, hài hòa lợi ích giữa các vùng miền và địa phương.../.

Thu Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục